Đắk Lắk ghi nhận trường hợp thứ tư tử vong nghi do bệnh dại

Sáng 26/2, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Hoàng Hải Phúc cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong nghi mắc bệnh dại tại huyện Krông Pắk. Đây là trường hợp thứ tư nghi tử vong do bệnh này tính từ đầu năm đến nay.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh nhân là Y.L.W.N (sinh năm 1996, dân tộc Êđê, trú tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắk). Trước đó, ngày 23/2, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng khó thở, tức ngực khi uống nước. Người nhà đưa đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, sợ nước, sợ gió, khó thở, tức ngực. Các bác sỹ chuẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Ngày 24/2, bệnh nhân được bác sỹ tiên lượng nặng, phức tạp, có thể tử vong. Gia đình xin cho bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Nhiệt Đới (Thành phố Hồ Chí Minh). Bệnh nhân tử vong lúc 22 giờ 30 phút ngày 25/2.

Theo lời khai của người nhà, trước đó khoảng 4 tháng, bệnh nhân bị chó nuôi trong nhà cắn vào lòng bàn tay trái và không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Ngay khi ghi nhận trường hợp này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã điều tra ca bệnh; thông báo thông tin trường hợp bệnh cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk để phối hợp xử lý; đồng thời tư vấn cho người nhà bệnh nhân về bệnh dại và truyền thông kiến thức phòng, chống bệnh dại cho gia đình, cộng đồng xung quanh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk cần tiếp tục giám sát ổ dịch dại trên người tại địa phương; tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh dại; phối hợp các cơ quan đoàn thể liên quan có hướng xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát ra cộng đồng. Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh cần phối hợp trong điều tra, xử lý và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó tại buôn Ea Yông A, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk.

Theo các bác sỹ, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Các tỉnh Tây Nguyên đang thời điểm giao mùa bước vào thời kỳ nắng nóng, là điều kiện thuận lợi thúc đẩy nguy cơ bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là bệnh dại. Do đó, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng của mình. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y. Khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng và đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vaccine phòng dại kịp thời.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm