Phòng, chống đột quỵ đúng cách và hiệu quả

Phòng, chống đột quỵ đúng cách và hiệu quả
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu phần mềm trí tuệ Rapid trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu phần mềm trí tuệ Rapid trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN

Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật

Đột quỵ được ví như một “con đau não”. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ lúc nào khi lưu lượng máu đến một vùng não bị gián đoạn. Lúc này, các tế bào não bị thiếu oxy và bắt đầu chết đi, làm các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển ngưng hoạt động, dẫn tới tê yếu, liệt, mất cảm giác nửa người, tay chân, mặt, không nói được hoặc hôn mê và tử vong.

Đột quỵ có hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Đột quỵ nhồi máu não là tình trạng tắc mạch máu lên não, do mạch máu bị chặn bởi các cục máu đông (thiếu máu cục bộ). Đột quỵ xuất huyết não là do mạch máu não bị vỡ. Mặc dù ít phổ biến hơn trong hai loại đột quỵ, nhưng đột quỵ xuất huyết não thường dẫn đến tử vong. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh lý tim mạch và ung thư và nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.

Bất kỳ ai cũng có thể bị đột quỵ tại bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời. Tuy nhiên, bệnh đột quỵ ngày càng trở nên phổ biến và trẻ hóa đối tượng mắc bệnh. Chính vì những lý do này mà bệnh đột quỵ đã và đang trở thành chủ đề quan trọng trong y học, tập trung sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 6 người thì có 1 người có nguy cơ sẽ bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ đang có chiều hướng tăng lên từ 1,7%-2,5%. Trong đó, tỷ lệ nam giới mắc cao gấp 4 lần nữ giới. Nghiêm trọng hơn, độ tuổi bị tai biến mạch máu não đang dần trẻ hóa, từ 40-45 tuổi so với trước đây là 50-60 tuổi.

 Dấu hiệu và cách xử lý 

- Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên người ngoài khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này nên yêu cầu được cấp cứu ngay.

- Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.

- Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.

- Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.

- Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.

- Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

Nếu thấy người bệnh có những dấu hiệu trên thì lập tức gọi cấp cứu  để đưa người bệnh đến bệnh viện.

Thời gian vàng để xử trí hiệu quả bệnh đột quỵ là trong vòng 3-4,5 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ. Lý do phải đưa người bệnh vào viện ngay vì, trường hợp não người bệnh bị thiếu máu, thiếu oxy, hoặc bị chảy máu thì não sẽ bị hoại tử chết đi rất nhanh. Để càng lâu thì phần não bị chết càng lớn, không thể chữa trị phục hồi lại được.

Tuyệt đối không tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu hay đánh gió vì những tác động này vô tình có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Phòng, chống đột quỵ đúng cách và hiệu quả

Thực tế cho thấy, bệnh đột quỵ nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả cũng như không phát hiện sớm và cấp cứu chữa trị kịp thời thì rất dễ dẫn đến tử vong hoặc bị liệt toàn thân và sống đời thực vật.

Một số yếu tố dễ dẫn đến bệnh đột quỵ là: tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, béo phì, đau đầu thường xuyên do thiếu máu não… Những người ăn uống nhiều chất béo, lười luyện tập thể dục, lối sống thiếu khoa học hút thuốc lá nhiều, uống nhiều bia rượu, căng thẳng áp lực lớn trong cuộc sống và công việc… cũng rất dễ bị bệnh đột quỵ.

Mặc dù có nhiều nguyên nhân, song bệnh đột quỵ hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu biết cách áp dụng một số quy tắc dưới đây:

- Lựa chọn thực phẩm phù hợp

Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong các yếu tố nguy cơ, nó có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ nhưng cũng có thể là “người đồng hành” phòng ngừa căn bệnh này, hay thậm chí hỗ trợ cơ thể con người hồi phục sau một cơn đột quỵ.

Việc sử dụng các loại thực phẩm cần tuân thủ các khuyến cáo, như: Ăn nhiều thực phẩm từ thực vật như rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, và các loại hạt; Ăn hải sản nhiều hơn, ăn thịt gia cầm và trứng thay vì thịt đỏ. Hạn chế lượng muối, chất béo, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn đường và ngũ cốc tinh chế.

- Duy trì thể dục mỗi ngày             

Luyện tập thể dục, thể thao giúp tăng lưu lượng máu đến não, điều chỉnh huyết áp và nhịp tim, cải thiện độ nhạy của insulin, từ đó giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

           Người bệnh cần vận động nhẹ nhàng, chơi một số môn thể thao đơn giản, vừa sức với thời gian 30-40 phút/ngày. Có thể chọn những môn thể thao như đi bộ vừa, chạy bộ, không nên lựa chọn các môn luyện tập cần vận động mạnh hay mất sức nhiều.

          - Tầm soát nguy cơ đột quỵ

          Tầm soát nguy cơ đột quỵ giúp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, điều trị bệnh.

Bệnh lý này xảy ra đột ngột, nên nếu có điều kiện tầm soát đột quỵ sớm, hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị sẽ được nâng cao.

Ở nước ta hiện nay, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hầu hết các bệnh viện đều thực hiện tầm soát phát hiện sớm đột quỵ. Những người có tiền sử tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, bệnh mạch vành, mỡ máu cao, tiểu đường… cần đi khám bệnh 3 đến 6 tháng/lần, hoặc theo chỉ định của bác sỹ. Đặc biệt, người tăng huyết áp thể cao dao động, có kèm mỡ máu cao phải hết sức lưu ý, cần kiểm soát huyết áp và chỉ số mỡ máu ở mức an toàn.
 
Phương Nam (tổng hợp)
TTXVN

Có thể bạn quan tâm