Những năm gần đây, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với những loại hình như: Du lịch cộng đồng, homestay, du lịch văn hóa nổi tiếng ở vùng Tây Bắc. Đặc biệt, nơi đây có nền văn hóa lâu đời của dân tộc người Thái, với lối sống đặc trưng riêng, từ trang phục, lối canh tác và nhà sàn. Nét độc đáo trong nghề dệt thổ cẩm truyền thống mang giá trị thuần khiết và là tinh hoa của người dân tộc Thái nơi đây.
Những đường nét hoa văn trên các sản phẩm của dân tộc Thái Trắng thể hiện sự khéo léo, kỳ công, tỉ mỉ chứa đựng sự kiên trì tinh tế mang vẻ đẹp tâm hồn của các cô gái Thái. Họ đã phải vất vả biết bao từ việc trồng dâu nuôi tằm để làm nguyên liệu dệt ra những tấm thổ cẩm với các họa tiết, hoa văn sinh động.
Chị Lò Thị Chanh, thành viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) chia sẻ: Với người phụ nữ dân tộc Thái ở huyện Mai Châu, dệt thổ cẩm dường như là một kỹ năng bắt buộc, được truyền từ đời nay sang đời khác, qua các thế hệ trong mỗi gia đình. Hầu hết con gái bắt đầu mười tuổi sẽ được mẹ hoặc bà trong nhà hướng dẫn, truyền đạt lại các kỹ năng, công đoạn để dệt thổ cẩm.
Để làm ra một sản phẩm thổ cẩm ưng ý, những người phụ nữ dân tộc Thái đã bắt đầu bằng việc trồng dâu, nuôi tằm để cho ra sợi bông và sợi tơ tằm mềm mại. Sau khi qua nhiều công đoạn sơ chế, các sợi tơ được đưa vào khung cửi và dệt theo các hình như dệt kết hoa, dệt quả trám, dệt hình hay dệt trơn tùy thuộc vào sản phẩm cuối cùng.
Chị Lò Thị Chanh, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) cho biết, để làm nên một tấm vải thổ cẩm, trước hết phải lựa chọn sợi, kéo khung, lên khung, chọn mẫu các loại hoa văn và cài hoa văn lên sẵn. Trước kia, nghề dệt thổ cẩm chỉ gói gọn trong các sản phẩm may mặc như: Chăn, màn, khăn, gối, quần áo... thì giờ đây, đáp ứng nhu cầu khách hàng, đã có thêm những sản phẩm như: Túi xách, giày, dép, thú nhồi bông và những vật lưu niệm nhỏ vẫn được làm từ chất liệu vải sợi bông tự nhiên, tuân thủ phương pháp sản xuất bằng tay từ kéo sợi, nhuộm màu đến dệt vải, đòi hỏi sự kỳ công.
Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm chủ yếu tự cung, tự cấp, chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình và bản thân. Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, vừa thể hiện sự khéo léo, vừa thể hiện đức tính cần cù của phụ nữ dân tộc Thái. Để bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống, nhiều hợp tác xã dệt thổ cẩm được các chị em thành lập, qua đó đã giúp kinh tế nhiều hộ gia đình khá giả lên, đồng thời quảng bá, giới thiệu được sản phẩm đặc trưng của mình đến khách du lịch trong nước và quốc tế.
Chị Vì Thị Oanh, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) cho biết, kế thừa và phát huy những tinh túy mà nghề dệt thổ cẩm cổ truyền, kết hợp sự sáng tạo, tinh tế của những đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ dân tộc Thái đã tạo ra những sản phẩm mới đặc trưng, vừa mang nét văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa mang tính hiện đại. Đến nay, sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái (Mai Châu) đã trở thành mặt hàng ưa chuộng của khách du lịch cũng như có mặt tại nhiều thị trường trong nước. Khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này của khách du lịch ngày càng lớn, các mặt hàng thổ cẩm đã trở thành đòn bẩy để đồng bào dân tộc nơi đây đẩy mạnh sản xuất.
Từ năm 2020 đến nay, nhiều sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm đã được công nhận cấp chứng chỉ tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, đây là điểm tựa thuận lợi để chị em trong các Hợp tác xã phát triển ngành nghề. Chị Lò Thị Dị, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) cho biết: Để có những sản phẩm đạt được chứng chỉ tiêu chuẩn OCOP, chúng tôi phải hết sức nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất. Đến nay, mặt hàng này đã được nâng tầm và được rất nhiều khách hàng đặt đơn với số lượng lớn. Qua đó, đời sống kinh tế của các thành viên trong Hợp tác xã đã có bước chuyển biến rõ rệt.
Cùng với đó, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng là động lực thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm phát triển, vừa giữ được những nét đẹp của văn hóa truyền thống vừa là nguồn thu nhập của những người phụ nữ dân tộc Thái trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu (Hòa Bình) cho biết, nghề dệt thổ cẩm, đang phát huy được hiệu quả trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc huyện Mai Châu nói chung, dân tộc Thái nói riêng. Qua đó, chúng tôi đã và đang thực hiện việc định hướng để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc gắn với sự phát triển kinh tế du lịch bền vững trên địa bàn, thể hiện rõ nét qua việc đưa nội dung này vào trong Nghị quyết đại hội của huyện.
Đến với những bản người Thái của Mai Châu, nhiều mặt hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đa dạng các mẫu mã, chủng loại được bày bán ở khắp các lối đi dưới chân cầu thang nhà sàn. Hầu như ai có dịp đến du lịch nơi đây, khi trở về đều không quên mua cho mình những món quà làm bằng thổ cẩm. Tuy món quà mộc mạc, dân dã, nhưng mang đậm nét đẹp đặc trưng của nền văn hóa dân tộc vùng cao sơn cước Mai Châu.
Thanh Hải