Hòa Bình là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (gần 75% dân số gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông), sống trải dài, ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh (145/151 xã, phường, thị trấn). Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước triển khai trên địa bàn đã giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh phát triển.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Thảo cho biết, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã tạo đà phát triển toàn diện khu vực nông thôn của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có 65/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Giai đoạn 2018-2021, UBND tỉnh tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xóm, xã đặc biệt khó khăn với tổng nguồn vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng. Tỉnh ưu tiên triển khai các công trình dở dang, dự án trọng yếu, phát huy hiệu quả đầu tư phục vụ đời sống đồng bào vùng dân tộc. Ngoài ra, từ nguồn vốn ODA, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học, trạm y tế xã... trên địa bàn được đầu tư, đưa vào sử dụng.
Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 22/NQ-TW về chủ chương chính sách phát triển kinh tế-xã hội miền núi, đến nay, số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh còn 39% trên tổng số xã, phường, thị trấn (giảm 29 xã so với năm 2017). Thu nhập bình quân tại các xã đặc biệt khó khăn đạt 25,2 triệu đồng/người/năm (vượt 5,2 triệu đồng so với mục tiêu Nghị quyết). Hàng năm, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3%; năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn còn 23,12% (đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra).
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Thảo chia sẻ thêm, do xuất phát điểm thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực thôn và xã đặc biệt khó khăn còn nhiều hạn chế. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chưa mang tính hàng hóa, đời sống nhân dân chưa thực sự đảm bảo, thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao...
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 22.400 hộ dân chưa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 19.300 hộ dân sinh sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố, đơn sơ (trong đó, trên 3.800 hộ cần được hỗ trợ về nhà ở để xóa bỏ nhà tạm, dột nát) chiếm 12,45% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Ngoài ra, toàn tỉnh còn hơn 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở hoặc chưa có đất ở... Thu nhập bình quân vùng dân tộc thiểu số đạt khoảng 45% so với bình quân chung của tỉnh.
Để vùng dân tộc thiểu số phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Quyết định số 3043/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2025. Tổng kinh phí thực hiện đề án là trên 9,6 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện một số dự án thành phần như: Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tỉnh quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng; phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số.
Hòa Bình chú trọng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc...
Vũ Hà