Lễ hội Nàng Hai

Lễ hội Nàng Hai
Lễ hội Nàng Hai. Ảnh: Chu Đức Hòa
Lễ hội Nàng Hai. Ảnh: Chu Đức Hòa

Lễ hội Nàng Hai ở Tiên Thành (tỉnh Cao Bằng) dù dưới bất cứ dạng thức nào (cầu mùa, cầu phúc hay cầu duyên) về bản chất là phản ánh tục thờ Mẹ. Chính nét đặc trưng này mà xuất hiện những giá trị văn hóa làm nên sự đặc sắc của Lễ hội. 

Từ lâu, người Tày - Nùng cũng như các dân tộc khác rất coi trọng vai trò của người mẹ mà truyền thuyết hóa thành một vị nữ thần gọi là Mẻ Bjoóc (Mẹ Hoa) - là vị thần của tình yêu, sắc đẹp, sức khỏe, sinh trưởng và bảo vệ sự sống của con người. Thế giới của Mẹ Hoa được ví như một cái cây, ở đó hoa vàng sẽ kết ra con trai, hoa bạc sẽ kết ra con gái. Vì vậy, người Tày - Nùng có tục thờ Mẹ Hoa, một phong tục đầy tính nhân văn, rất đáng được trân trọng, bảo tồn và phát triển.

Trong tâm thức dân gian, Mẻ Bjoóc là người chắp nối lương duyên, đôi trai gái yêu nhau say đắm nhưng có thành vợ, thành chồng hay không đều là do Mẻ Bjoóc, rồi sau này đôi vợ chồng trẻ đó có nở nụ, đơm hoa hay không (có con hay không), cũng là do Mẻ Bjoóc. Vì thế mới có tục "Cái cấu - Lồng kiều", phải mời các bà bụt có uy tín, linh thiêng về làm lễ nguyện cầu, xin Mẻ Bjoóc ban cho nở nụ, kết hoa ra trái ngọt lành...

Đấy là nói về vai trò của Mẻ Bjoóc trong cầu phúc, cầu duyên. Còn trong mùa màng, cấy hái thì Mẻ Bjoóc cũng giữ vai trò quan trọng. Truyền thuyết Pú Lương Quân với sự tích ông Khổng Lồ (Báo Luông - Slao Cải) cũng đề cập rất rõ về vai trò của Mẻ Bjoóc - Mẹ Hoa trong việc tìm tòi, phát triển nghề nông, mang lại no ấm cho mọi người. Song cũng tuỳ theo quan niệm của từng nơi, từng vùng, có nơi gọi Mẻ Bjoóc chính là Slao Cải - người mẹ lớn này có khi được gọi là Mẹ Trăng, có khi là Pựt Luông. Dù gọi cách gì đi nữa cũng đều gắn với Mẹ Hoa lo cho mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no.

Có lẽ từ xuất phát điểm ấy mà ở Lễ hội Nàng Hai Tiên Thành mới có cảnh mang hoa lên mường trăng để dâng tiến Mẹ Trăng. Vì vậy trong suốt thời gian Lễ hội, từ ngày mở đầu cho đến khi kết thúc kéo dài tới 49 ngày đêm, người ta hái rất nhiều hoa quý, hoa đẹp của núi rừng để làm lễ vật dâng tiến các Mẹ Trăng, rồi trong ngày kết thúc Lễ hội, các Nàng Hai lại tổ chức hội khao hoa các Mẹ Trăng, tức là mời các Mẹ Trăng ăn hoa, mà những người mời phải là các Nàng Hai thanh tân, trinh trắng: Nàng đốt mớ tóc dài/Nàng kết đạo ngày đêm/Chưa mang xuyến cổ tay/Áo dài đến bàn chân/Nàng nào quên chơi xuân đêm trước.

Nói như các cụ là: “Cò tẳng, rặng kíu/Nả sluổi muối qua/Đăm nà khẩu mảc/ Tăm slác khẩu khao”. Vì vậy, có thể nói rằng đây là lễ hội của các trinh nữ đẹp người, đẹp nết và giỏi thơ phú, hát ca, đối đáp tài tình. Quả là một nét văn hoá độc nhất vô nhị.

Tỉnh Cao Bằng có khoảng 20 lễ hội, nhưng không có lễ hội nào diễn ra dài ngày, công phu, cầu kỳ như Lễ hội Nàng Hai ở Tiên Thành. Sau ngày Tết đắp nọi (30 tháng Giêng âm lịch) bắt đầu dựng nhà đón Mẹ Trăng để mẹ truyền dạy những bài lượn hai cho các Nàng Hai; ngày 22 tháng 3 âm lịch mới chính thức diễn ra lễ hội. Do đó đây là một lễ hội cần có sự chung tay, góp sức của cộng đồng, người người, nhà nhà cùng nhau lo toan gánh vác công việc. Mọi nghi thức bắt buộc của lễ hội phải được thao luyện với sự đáp ứng đầy đủ về trang phục, các vật phẩm thờ cúng cho đến bãi cỏ, mái che cho các nàng trăng múa hát, bến nước thả thuyền, thả hoa đều phải tươm tất, chu toàn thì Mẹ Trăng mới suôn sẻ trong việc xuất nhập hồn, lễ hội mới linh thiêng, trang trọng. Từ sự quy mô, cầu kỳ, linh thiêng ấy mà nó được lưu truyền từ đời này qua đời khác, làm cho lớp lớp cháu con càng thêm yêu mến, trân trọng và tự hào về nét đẹp truyền thống của quê hương mình.
 
Sau đó, đoàn người vừa đi vừa hát, ra bờ suối làm lễ tiến Nàng Hai rời trần gian.
Sau đó, đoàn người vừa đi vừa hát, ra bờ suối làm lễ tiến Nàng Hai rời trần gian.

Không chỉ hấp dẫn con cháu vùng Tiên Thành, Lễ hội Nàng Hai còn là nơi hội tụ, giao lưu của nhiều lớp người, nhất là nam thanh, nữ tú từ Phục Hoà, Quảng Uyên đến; Tràng Định (Lạng Sơn), Thạch An sang; Hòa An, thành phố Cao Bằng xuống... Đặc biệt, còn có cả nam nữ thanh niên từ Long Châu (Trung Quốc) đến chiêm ngưỡng, chia vui. Vì đây là dịp người ta gặp gỡ, trao đổi để tăng thêm mối bang giao. Thông qua các cuộc đối đáp với Nàng Hai, người ta không ngại ngần bộc lộ tâm can để bạn bè thân hữu chia sẻ những buồn vui, khúc mắc. Nếu không có lễ hội thì có mấy ai lại dám đưa những chuyện riêng tư ra giãi bày trước đám đông? Bởi qua đối đáp với Nàng Hai người ta tìm được sự đồng cảm. Do vậy có thể nói rằng, Lễ hội Nàng Hai là một trường học đầy nhân văn, nơi kêu gọi con người ở tất cả mọi nơi, mọi địa vị, mọi lứa tuổi, mọi mối quan hệ hãy yêu thương, độ lượng và nhân từ với nhau.
 
Thầy Tào làm Lễ nhập “Hồn trăng” cho Nàng Gường, Nàng Sở, một nghi lễ trong Lễ hội Nàng Hai.
Thầy Tào làm Lễ nhập “Hồn trăng” cho Nàng Gường, Nàng Sở, một nghi lễ trong Lễ hội Nàng Hai.

Lễ hội Nàng Hai nói riêng, dân ca các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng nói chung như những "cục than hồng" trong bếp lửa nhà sàn. Nguồn than hồng ấy từ khi xuất hiện cho đến những năm 60, 70 của thế kỷ trước thật sự làm cho con người lúc bấy giờ mặc dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng họ sống thuỷ chung, son sắt với nhau, tình làng nghĩa xóm được trân trọng, nâng niu. Cũng nhờ lời ca, điệu múa, câu lượn, câu sli mà nghĩa tình đã vượt qua những lũy tre, bờ đá của làng, để làng nọ kết nối xóm kia, tạo ra sự cộng cảm lớn lao, cùng nhau gánh vác, đỡ đần khi có việc lớn. Quả là một nét đẹp nhân văn rất đáng được giữ gìn, phát huy. 
Chu Sĩ Liên (Theo baocaobang.vn)
Báo điện tử Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm