Hát Páo dung được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn, huyện văn Yên( Yên Bái) cho biết: “Theo tiếng nói của dân tộc Dao, Páo dung có nghĩa là ca hát, hát Páo dung là hát dân ca của dân tộc Dao. Hát Páo dung ra đời và phát triển từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Dao. Páo dung được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Dao ở Văn Yên”.
Với người Dao, hát Páo dung luôn được giữ gìn như báu vật. Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, nam thanh nữ tú người Dao lại rủ nhau đi hát từ bản này sang bản khác. Cuộc hát say sưa khiến họ tưởng chừng như quên ngày, quên tháng nên dẫu có tàn cuộc, chia tay nhưng dường như những cuộc Páo dung vẫn chưa bao giờ kết thúc. Để rồi đến khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch, khi vụ mùa đã xong, trai gái trong bản lại tiếp tục lời hẹn Páo dung ngày nào.
Hát Páo dung được chia thành nhiều loại. Hát Páo dung sinh hoạt gồm các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than… Hát Páo dung lễ nghi tín ngưỡng - phong tục gồm các bài hát được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao, như hát trong lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng… Hát Páo dung trong lao động gồm những bài hát ca ngợi lao động sản xuất, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ được các thế hệ người Dao tích lũy và truyền lại cho thế hệ sau.
Ông Bàn Phúc Hín chia sẻ thêm: "Hát Páo dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Hát Páo dung đã thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Dao. Giá trị văn hóa lớn nhất ở đây chính là những định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương mình, gìn giữ và phát huy những từ ngữ trong các làn điệu dân ca hàm chứa sâu sắc mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, anh em, tình yêu đôi lứa, trong lao động sản xuất… để truyền dạy cho thế hệ sau. Trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất, họ tự sáng tác cho phù hợp với thực tế nhưng vẫn giữ nguyên giai điệu mang sắc thái đặc trưng của dân tộc Dao. Những phong tục tập quán, những nét sinh hoạt hàng ngày được đúc kết và thể hiện qua những câu hát”.
Bởi vậy, hát Páo dung đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao Văn Yên từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần lớp trẻ không mấy mặn mà với làn điệu hát Páo dung, do đó, nguy cơ mai một của các làn điệu Páo dung là rất lớn. Để bảo tồn làn điệu Páo dung của đồng bào dân tộc Dao, huyện Văn Yên đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp.
Đồng chí Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Để bảo tồn làn điệu Páo dung, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào người Dao gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình; đồng thời, tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về Páo dung đang lưu giữ trong nhân dân để dịch ra tiếng phổ thông làm tài liệu tuyên truyền. Hàng năm, tổ chức hát Páo dung ở mỗi thôn, xã, liên xã nhằm đưa Páo dung trở lại phục vụ cuộc sống, gắn với các hoạt động trong các lễ hội văn hóa hàng năm để người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia, nhất là thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn hát Páo dung của đồng bào Dao nơi đây”.
Theo baoyenbai.com.vn