Bản sắc văn hóa dân tộc Cơ tu là một “kho báu” để phát triển du lịch cộng đồng tại Phú Túc. Ảnh: baodanang.vn |
Người Cơ Tu rất khéo léo và có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng các cây thuốc, săn bắn, thực hiện các kỹ thuật chạm khắc và trang trí các hoa văn trên trang phục. Người Cơ Tu tôn kính và thờ cúng thiên nhiên. Nếu như trước đây, đồng bào Cơ tu chủ yếu trồng trọt, săn bắn… để sống tự cấp tực túc, hiện nay, trong bối cảnh các nhà máy, khu công nghiệp được mở rộng về phía Tây thành phố Đà Nẵng, nhiều thanh niên Cơ tu đã đi làm công nhân và vì nhiều lý do, nhiều người không còn "mặn mà" lắm với văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Đinh Văn Trí, đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Phú Túc chia sẻ: Hiện nay vì mưu sinh, cộng vào đó là một thời gian dài việc truyền nghề cho thế hệ trẻ không được chú trọng nên nhiều nét văn hóa truyền thống dần mai một. Hiện địa phương đang động viên lớp trẻ học đánh cồng chiêng, tuy nhiên rất khó vì nhiều thanh niên đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu du lịch nên không "tha thiết" với nghệ thuật truyền thống.
Ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Giàn Bí cho biết: Việc bảo tồn, phát huy văn hóa bản sắc đồng bào Cơ tu là một yêu cầu bức thiết. Việc khôi phục các lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa của người Cơ tu vừa là mục tiêu và là động lực để phát triển. Tuy nhiên, theo ông, việc bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ tu cần gắn với phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Một thực tế rất đáng trăn trở là tại Liên hoan văn hóa – thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ tu Đà Nẵng – Quảng Nam được tổ chức vào ngày 13-14/4, trong khi nhiều vận động viên, nghệ nhân Cơ tu trình diễn các điệu múa truyền thống, trình diễn nghề dệt thổ cẩm một cách “có hồn”cũng còn một số người Cơ tu vẫn “mơ màng” với những nét văn hóa truyền thống, thể hiện các điệu múa, điệu cồng chiêng chưa được nhuần nhuyễn.
Trình diễn dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu tại liên hoan. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Bà Phan Lê Quỳnh Anh, Phó Trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết: Để công tác bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa đồng bào Cơ tu, các cấp các ngành, địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa dân tộc Cơ Tu gắn với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội vùng miền núi. Các cấp, các ngành mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở để nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ về bảo tồn văn hóa người Cơ tu, tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người Cơ Tu về văn hóa, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần phát huy tinh thần chủ động, tích cực của đồng bào trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình. Các cấp, các ngành hỗ trợ, duy trì tổ chức lễ hội truyền thống theo định kỳ, tạo "sân chơi" và khuyến khích tinh thần, khả năng sáng tác trong các tầng lớp nhân dân... Ngành chức năng hỗ trợ xây dựng hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở, duy trì các hoạt động giao lưu và phát triển văn hóa thể thao người Cơ Tu; khuyến khích việc dạy và học chữ của đồng bào Cơ Tu; tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tại Quảng Nam cho đồng bào Cơ Tu ở Đà Nẵng.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc bảo tồn, phục dựng lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại thành phố Đà Nẵng cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, nhất là huyện Hòa Vang để cộng đồng người Cơ Tu tại Đà Nẵng vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ gìn được những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ tu.