Trồng dâu nuôi tằm giúp đồng bào xã vùng sâu Đăng Hà ổn định kinh tế

Trồng dâu nuôi tằm giúp đồng bào xã vùng sâu Đăng Hà ổn định kinh tế

Trong khi rẫy điều ngày càng già cỗi cùng với giá cả bấp bênh thu không bù chi, mô hình trồng dâu nuôi tằm đang giúp nhiều hộ dân ở xã vùng sâu, vùng xa Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước vượt lên cơn “khủng hoảng” về giá, ổn định đời sống kinh tế.

Năm 2018 gia đình ông Mai Kỳ Khánh ở thôn 6, xã Đăng Hà đã mạnh dạn đầu tư trồng cây dâu để nuôi tằm, với 0,5 ha cây dâu và nhà xưởng hơn 100 m2. Sau hơn 2 năm chuyển đổi, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã thu về bình quân hơn 10 triệu đồng/lứa.

“Trước đây, tại địa phương cũng có vài hộ trồng dâu nuôi tằm nhưng số lượng ít, hiệu quả không cao. Bà con chủ yếu vẫn trồng lúa nước, cây điều, cà phê, cao su… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá cả nông sản thấp nên nhiều gia đình quyết định chuyển đổi, đầu tư trồng dâu nuôi tằm. Như gia đình tôi phải học hỏi những người quen ở Lâm Đồng về nghề này, đồng thời tham khảo thêm trên mạng để áp dụng khoa học kỹ thuật mới. làm sao nuôi cho có hiệu quả”, ông Khánh chia sẻ.

Theo ông Khánh, mô hình trồng dâu nuôi tằm chủ yếu lấy công làm lãi. Trước thời điểm dịch COVID-19, giá kén hơn 100.000 đồng/kg, sau xuống khoảng 60.000 đồng/kg, khiến hộ nuôi tằm lo lắng. Song bà con vẫn duy trì sản xuất, bởi có xuống thấp nhưng nông dân vẫn không thất thu.

Gia đình ông Mai Xuân Danh ở thôn 3 là một trong những hộ trồng dâu nuôi tằm lớn nhất và lâu nhất trên địa bàn xã Đăng Hà. Hiện gia đình ông có diện tích hơn 1,5 ha cánh đồng dâu và khu nhà nuôi tằm rộng gần 300m2.

Theo ông Danh, nuôi tằm tính ra thu nhập cao hơn so với các nghề khác ở địa phương. Khu vực này trồng cây điều năng suất không cao, một phần cây lâu năm già cỗi, đất đai không còn màu mỡ, giá cả không ổn định. Nghề nuôi tằm có phần vất vả hơn nhưng thu về lợi nhuận hơn hẳn mấy cây khác hiện nay.

Một hộp con giống với giá 500.000 đồng mua về chăn nuôi chỉ cần sau 15 ngày sau nhà nông thu được 45 kg kén. Nếu với giá ổn định 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sẽ đem lại thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/lứa kén bán ra.

Ông Danh cho biết: “Trồng dâu nuôi tằm hiện đầu ra ổn định do có người đến mua, cung cấp con giống nên chúng tôi chỉ tập trung chăm sóc cây dâu và nuôi con tằm ra kén là bán thôi. Nuôi tằm không khó nhưng quan trọng là phải cẩn thận, chu đáo. Ngoài việc cho tằm ăn đầy đủ, không đứt bữa thì còn phải chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ và phòng trừ bệnh tốt, như vậy con tằm mới khỏe mạnh, cho kén đều, tơ đẹp, được giá. Hiệu quả con tằm này nuôi phải chăm sóc ngay từ đầu. Cây dâu phải chăm sóc tốt sau đó mới nói đến con tằm”.

Theo ông Bàng Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hà, trước khi trồng dâu tằm các hộ dân này chủ yếu canh tác cây điều, cây lúa với phương pháp lạc hậu nên năng suất kém, hiệu quả kinh tế không cao. Vài năm trở lại đây họ đã biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp, áp dụng giống mới và kỹ thuật nuôi hiện đại từng bước tăng thu nhập, trong đó có trồng dâu nuôi tằm.

Với mô hình có tiềm năng tại địa phương, Hội Nông dân xã Đăng đã hỗ trợ người nuôi tằm tiếp cận các nguồn vốn như Quỹ Hội Nông dân, mỗi người vay 50 triệu đồng.

Nghề trồng dâu nuôi tằm được địa phương đánh giá là một hướng sản xuất phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng địa phương. Từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, trong thời gian tới, địa phương đã có kế hoạch đưa nông dân học tập rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm