Trồng cây gai xanh - Hướng mới thoát nghèo của người dân huyện miền núi Cẩm Thủy

Trồng cây gai xanh - Hướng mới thoát nghèo của người dân huyện miền núi Cẩm Thủy

Những năm gần đây, nhiều người dân huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đó là thực hiện mô hình trồng cây gai xanh. Hiện cây gai xanh đang là cây chủ lực trong phát triển sản xuất của người dân với thu nhập khoảng 80 triệu/ha/vụ, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Trồng cây gai xanh - Hướng mới thoát nghèo của người dân huyện miền núi Cẩm Thủy ảnh 1Cây Gai xanh được người dân trồng tại huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Cẩm Thủy là huyện miền núi nghèo, để giúp người dân nâng cao thu nhập, trong giai đoạn 2016-2021 huyện Cẩm Thủy phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước thực hiện mô hình trồng cây gai xanh và xây dựng nhà máy trên địa bàn xã Cẩm Tú là để phát triển vùng nguyên liệu.

Đây là loài cây ưa khí hậu nóng ẩm, nếu trồng đúng kỹ thuật thì sau 75 ngày là có thể thu hoạch vụ đầu tiên, sau đó chặt sát gốc, cây mọc lại và có thể thu hoạch vụ thứ 2 sau 45 ngày, chiều cao của cây lúc thu hoạch gần 2,5 mét.

Hiện cây gai xanh đang cho hiệu quả kinh tế cao so với một số cây trồng khác, vỏ cây gai được dùng làm nguyên liệu sản xuất vải, lá cây thể làm bánh gai, thân có thể làm nấm, mộc nhỉ, phân vi sinh. Để phát triển cây gai xanh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước đã có chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển cây gai xanh và thu mua vỏ khô của cây gai xanh, tạo thuận lợi cho người trồng gai chủ động khâu thu hoạch và sơ chế.

Tính đến nay, huyện Cẩm Thủy đã trồng được 72 ha diện tích cây gai xanh, sản lượng vỏ tươi đạt 3.230 tấn, giá thu mua vỏ khô loại 1 là 47.000 đồng/kg và giá thu mua vỏ khô loại 2 là 42.000 đồng/kg, loại 3 là 35.000 đồng/kg, bình quân một năm thu hoạch 4-5 lứa với năng suất một lứa từ 20-25 tấn/ha và cho thu nhập bình quân trồng gai xanh là từ 50-80 triệu đồng/ha/năm.

Bà Phạm Thị Thanh, thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú cho hay, gia đình bà trồng cây gai xanh cho Công ty An Phước từ năm 2016, nếu như năm đầu tiên bà mới trồng thử 1 ha vì lo sợ chi phí nhiều thì đến năm 2018 tôi thấy lợi nhuận cao nên trồng thêm 7 ha, trồng 1 lần nhưng thu hoạch 9-10 năm. Hiện tổng diện tích trồng cây gai xanh của gia đình bà Thanh là gần 9 ha, thu nhập bình quân 600 triệu/năm từ trồng cây gai xanh, nguồn thu từ cây gai xanh cao hơn so với trồng các loài cây khác như mía, ngô...

Anh Nguyễn Đình Hùng, Đội 8, xã Cẩm Tú cho biết, trước đây anh đi làm ăn xa, năm 2016 anh Hùng nghe tin huyện Cẩm Thủy có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh nên anh quyết định về quê lập nghiệp, thông qua sự đấu mối của chính quyền địa phương, anh được cung cấp giống trồng cây gai, phân bón, hỗ trợ tiền chuyển đổi cây trồng 3 triệu.

Ngay sau đó, Anh Hùng và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước ký hợp đồng 5 năm, anh được hỗ trợ trồng cây gai xanh trên diện tích 0,67 ha. Nhờ kiên trì chăm sóc nên các ruộng cây gai xanh đều phát triển tốt, mỗi năm anh thu hoạch được 4 vụ, mỗi vụ 2 tấn/sào, thu nhập bình quân khoảng 60 triệu/năm.

Theo ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú, trên địa bàn xã đang có khoảng 15 hộ dân thực hiện mô hình trồng cây gai xanh với thu nhập bình quân từ 100-600 triệu/năm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quần đầu người trên địa bàn xã lên 54 triệu/người/năm, hiện xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con trồng cây gai xanh để nông cao thu nhập, phấn đầu từ nay đến cuối năm trồng thêm được 50 ha diện tích cây gai xanh.

Báo cáo của UBND huyện Cẩm Thủy cho thấy, hiện trên địa bàn đang có khoảng 20 hộ trồng cây gai xanh. Loài cây này cho hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác trên cùng chân đất và là cây lưu gốc thời gian dài bình quân khoảng 10 năm, chí phí đầu tư thấp, năng xuất cây gai những năm sau cao hơn những năm đầu tiên. Việc ký kết hợp đồng kinh tế giữa Công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác xã thu mua, chế biến gai với tố chức, cá nhân sản xuất Gai nguyên liệu được tiến hành ngay từ đầu vụ.

Ông Phạm Minh Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết, năm nay, toàn huyện đã đăng kí mới được gần 150 ha cây gai xanh trồng trong vụ Xuân năm 2021, hộ đăng ký thấp nhất là 0,5 ha trở lên, có những hộ đăng ký lên đến 18 ha, huyện cũng phấn đấu trong năm nay đạt diện tích 300 ha trở lên, số hộ đăng kí mới khoảng 100 hộ.

Thời gian tới, huyện Cẩm Thủy sẽ tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh làm nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất sợi dệt trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đối với giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt 1.200 ha trở lên; trong đó phấn đấu năm 2021 phải đạt từ 300 ha cây gai xanh trở lên ở tất cả các xã, thị trấn.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước, hiện đơn vị đã phát triển 400 ha diện tích trồng cây gai xanh tại 8 huyện, thu nhập đối với ruộng gai đã đi vào sản xuất của bà con bình quân từ 100-130 triệu/ha, bình quân 2,5 tấn gai khô/ha. Hiện, Thanh Hóa đã quy hoạch diện tích trồng cây gai xanh cho nhà máy An Phước với tổng diện giai đoạn 1 là 3.000 ha thuộc 14 huyện gồm Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước…

Ông Trịnh Văn Toản, Trưởng vùng nhiên liệu cây gai xanh vùng Thanh Hóa thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước cho biết, năm 2020 vừa qua, Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước đã nhập hơn 400 tấn gai khô với giá 47 triệu/tấn trên các diện tích đất trồng cây gai xanh ở tỉnh Thanh Hóa. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phát triển thêm diện tích trồng cây gai xanh còn lại, mục tiêu đưa vào sản xuất 3.000 ha diện tích trồng cây gai phục vụ vỏ khô cho nhà máy, qua đó nâng cao thu nhập cho bà con vùng cao.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm