Thoát nghèo từ nuôi gà thả vườn an toàn ở huyện miền núi Như Xuân

Thoát nghèo từ nuôi gà thả vườn an toàn ở huyện miền núi Như Xuân

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, nông dân huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gà thả vườn an toàn. Nhờ thực hiện mô hình, nhiều hộ dân các xã vùng cao đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong nuôi gà an toàn, từ đó sản xuất ra sản phẩm gà con chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để giúp người dân nâng cao thu nhập, huyện Như Xuân đã hướng dẫn người dân chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gà thả vườn an toàn. Đến nay, nhiều hộ dân nhờ thực hiện mô hình này đã vươn lên thoát nghèo.

Anh Lê Bá Thức, thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa cho biết, do hoàn cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp cấp 3 anh phải đi làm công nhân tại các khu công nghiệp để có thu nhập. Năm 2017, nhận thấy tại mảnh đất nơi anh đang sống có tiềm năng để phát triển kinh tế trang trại nên anh đã vay vốn ngân hàng, người thân để phát triển kinh tế. Anh đã quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi gà an toàn kết hợp trồng cây ăn quả.

Ban đầu anh nhập 500 gà con về chăn nuôi, anh xây dựng chuồng nuôi khép kín an toàn, kết hợp trồng các loại cây ăn quả như bưởi, cam. Nhờ cố gắng trong sản xuất, tới nay trang trại của anh đã được mở rộng lên 3 ha, 3 chuồng nuôi gà với 5.000 con gà an toàn, mỗi năm xuất 6 lứa với 9.000 con gà, thu nhập mỗi năm của gia đình anh đạt 120 triệu/năm.

Anh Thức còn tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức lương 3,5 triệu/người/tháng. Ngoài ra, trang trại của anh đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào năm 2019, sản phẩm gà an toàn của anh được cung cấp, bán cho các tiêu thương và người dân quanh vùng.

Theo ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết, toàn xã có 22 trang trại nuôi gà an toàn; trong đó, 16.000 con gà đang được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phâm gà an toàn được xuất bán cho tiểu thương các chợ, siêu thị trên địa bàn, nhờ chăn nuôi gà an toàn, nhiều hộ dân trong xã đã nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Nhờ thực hiện tốt mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gà thả vườn an toàn và các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp khác, đến nay huyện Như Xuân đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là hơn 19 triệu đến nay tăng lên 32 triệu đồng/năm, số hộ nghèo giảm còn khoảng 1.300 hộ.

Ngoài ra, UBND huyện Như Xuân cũng đã đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gà Như Xuân. Đồng thời, thực hiện việc kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp tư nhân vào liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm gà cho người dân.

Ông Lê Tiến Đạt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Như Xuân cho biết, nhờ chăn nuôi gà an toàn nhiều hộ đã có thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Thời gian tới, huyện Như Xuân sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi gà an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng cho sản phẩm, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo tại vùng cao.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm