Người dân miền núi Thanh Hóa thoát nghèo nhờ cây mía

Người dân miền núi Thanh Hóa thoát nghèo nhờ cây mía

Từ một huyện miền núi nghèo với điểm xuất phát thấp, đến nay huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đang từng bước vươn lên, trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để đạt được kết quả đó, huyện đã thực hiện linh động các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, địa phương đã khuyến khích các hộ dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, cải tạo đất vườn, san lấp đất vùng chân đồi núi thấp để trồng mía gắn với thị trường tiêu thụ.

Người dân miền núi Thanh Hóa thoát nghèo nhờ cây mía ảnh 1Nhờ cây mía mà hàng nghìn hộ dân ở huyện miền núi Thạch Thành thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh: baothanhhoa.vn

Hiện nay, cây mía được xem là cây trồng chủ lực, giúp hàng nghìn hộ dân ở huyện miền núi Thạch Thành không những thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.

Thời điểm này, người trồng mía tại xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành, đang vào vụ thu hoạch chính trong năm. Trên những cánh đồng mía trải dài tít tắp, không khí lao động sản xuất trở nên nhộn nhịp, hối hả. Năm nay, năng suất mía cao hơn năm trước, giá cả cũng ổn định nên ai cũng phấn khởi.

Thoăn thoắt đưa từng bó mía xếp gọn gàng lên xe tải, ông Nguyễn Văn Lai, thôn Thống Nhất (Thành Vinh) phấn khởi cho biết: Với diện tích 1 ha trồng mía, năm nay gia đình ông thu về hơn 100 tấn mía tươi. Với giá bán hiện tại khoảng 870 nghìn đồng/tấn, vụ mía năm nay trừ các chi phí, gia đình ông thu về gần 30 triệu đồng tiền lãi. Nhờ trồng mía, năm 2016 gia đình ông đã thoát nghèo…”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan những cánh đồng mía phủ xanh cả một vạt đồi, ông Trịnh Ngọc Khắc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ kinh doanh nông nghiệp Thành Vinh cho biết: Trước kia ngoài canh tác lúa, người dân trồng thêm cây dâu và cây đay, tuy nhiên hiệu quả kinh tế từ 2 loại cây này mang lại không cao. Năm 1996, Nhà máy đường Việt Nam - Đài Loan (huyện Thạch Thành) đi vào hoạt động, cây mía bắt đầu bén rễ trên đất Thành Vinh. Ban đầu, người dân trồng thử nghiệm khoảng 20 ha, đến nay toàn xã có 370/500 ha đất nông nghiệp được dành để trồng cây mía, tập trung chủ yếu ở các thôn Quyết Thắng, Hồi Phú…

“Trước đây, Thành Vinh là xã có điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn huyện Thạch Thành. Theo đó, năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 27,47%. Sau 5 năm, nhờ trồng mía theo hướng sản xuất tập trung, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 3,8%...”, ông Lai chia sẻ.

Được biết, hiện tại xã Thành Vinh chưa có kế hoạch mở rộng thêm vùng nguyên liệu mía, chỉ tập trung cải tạo lại giống mía, cho năng suất và chất lượng cao hơn. Trước kia, cây mía Thành Vinh chỉ cho thu hoạch 1 vụ, sau đó phải phá đi trồng mới, tuy nhiên hiện nay có khoảng 80% diện tích trồng mía có thể lưu gốc lại và thu hoạch đến năm thứ 4, thứ 5, cho năng suất cao và giảm chi phí. Xã đã hình thành được 2 khu trồng mía tập trung với diện tích mỗi khu từ 70-80 ha, tại thôn Quyết Thắng và thôn Lộc Phượng. Dự kiến năm 2020, xã sẽ hình thành thêm 2 khu trồng mía tập trung quy mô lớn khoảng 150 ha tại 2 thôn Thống Nhất và Hồi Phú.

Cùng với Thành Vinh, xã Thành Trực là một trong các xã trồng mía tím nhiều nhất huyện Thạch Thành, với diện tích khoảng 150 ha. Hiện cây mía tím ở đây cho giá trị thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha mỗi năm.

Ông Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBND xã Thành Trực (Thạch Thành) cho biết: Cây mía tím được người xưa làm sản vật tiến vua, bởi mía thơm, ngọt lại mềm nên được thị trường ưa chuộng. Theo tính toán, mỗi ha mía tím cho năng suất khoảng 84 tấn, thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nếu như năm 2015, xã có 94 hộ nghèo, chiếm 6,79%; năm 2019 chỉ còn 39 hộ, chiếm 2,67% và đến năm 2020 chỉ còn 28 hộ chiếm 1,88%. Điển hình như các hộ: Nguyễn Thị Mây, Bùi Văn Điển, Bùi Văn Thành... sau khi có thu nhập ổn định từ cây mía, năm 2017 đã làm đơn xin thoát nghèo. Cũng nhờ góp phần từ cây mía, Thành Trực đã thực hiện về đích nông thôn mới vào năm 2017 và hiện nay cây mía tím đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao….”, Chủ tịch UBND xã Thành Trực cho biết thêm.

Toàn huyện Thạch Thành đã thực hiện sản xuất mía nguyên liệu cánh đồng lớn thâm canh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trên 820 ha. Cùng với việc thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh từ 18,4% (cuối năm 2015) xuống còn 7,38% (năm 2019). Ước tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,01%, tương ứng 366 hộ nghèo.

Khiếu Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm