Sau hơn 2 năm, xã Thành Vinh (huyện Thạch Thanhg) đã phát triển được 120 ha trồng mía áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đạt 152% so với kế hoạch nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn |
Thăm trang trại của gia đình ông Nguyễn Hữu Sơn, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, chúng tôi đã được ông kể lại quá trình thoát nghèo nhờ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Ông Sơn cho biết, ông sinh ra trong gia đình nghèo, tuổi thơ gắn liền với những đợt chạy lũ. Sống tại mảnh đất gần đồi núi khô cằn sỏi đá, quanh năm chỉ trồng mía, trồng rau, mỗi khi mùa lũ lên là một lần ông mất trắng hoa màu.
Năm 2014, được sự tư vấn của chính quyền địa phương, ông đã vay 70 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Thạch Thành để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây hái quả, chăn nuôi, kết hợp trồng rừng. Thời điểm này, khởi đầu chỉ với 2 con bò, 4 con lợn và 1 ha cây keo, trong khi đó, kinh nghiệm không có nên nhiều lần trời rét đã khiến bò bị bệnh chết, làm ông chán nản. Nhưng ông đã được người thân động viên tiếp tục sản xuất. Đến năm 2016, nhiều lứa vật nuôi, cây trồng trong trang trại đã được các tiểu thương về mua nên công việc kinh doanh của ông ngày càng thuận lợi. Tới nay, trang trại của ông rộng hơn 10 ha, trong đó có gần 1.000 cây mít, 800 cây bưởi, 3 ha dứa, 5 ha cây lâm nghiệp và 20 con bò; thu nhập bình quân của gia đình ông khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn các gia đình khác quanh vùng chuyển giao khoa học kĩ thuật, hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao.
Tương tự ông Sơn, bà Bùi Thị Vọng, thôn Thành Cừ, xã Thành An cho biết, do hoàn cảnh khó khăn, cộng thêm nhiều lần chạy lũ khiến gia đình bà luôn nghèo khó, phải đi làm công nhân ở miền Nam. Năm 2015, bà về quê lập nghiệp, được Hội Nông dân huyện tư vấn, bà vay 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Thạch Thành mua bò giống, các giống cây lâm nghiệp để thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản kết hợp trồng rừng.
Khởi đầu gian nan, khi nhiều giống cây, bò giống bị nước mưa cuốn trôi nhưng bà vẫn kiên trì. Tới nay, đàn bò sinh nở lên tới 25 con, nhiều diện tích rừng trồng cây keo được thu họach, tổng thu nhập 60 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình bà đã ổn định hơn trước.
Ông Lưu Văn Trà, cán bộ Hội Nông dân huyện Thạch Thành cho hay, trên địa bàn có 33 hộ nông dân đang vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện với số tiền 533 triệu đồng, ngoài ra số tiền vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, tỉnh là 1,9 tỷ đồng với 38 hộ vay để thực hiện các mô hình trồng mía tím, trồng dứa, chăn nuôi bò sinh sản. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo các hội cơ sở phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân, mở thêm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật cho bà con phát triển các mô hình trang trại có hiệu quả.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2013-2018, Quỹ hỗ trợ nông dân được nhà nước cấp một phần, còn lại là cán bộ, viên chức, các nhà tài trợ ủng hộ. Hiện toàn tỉnh đã vận động được 45 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân với 2.488 hội viên nông dân vay vốn; trong đó, nguồn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cấp 15,6 tỷ đồng, nguồn tỉnh 13,420 tỷ đồng đang cho vay thực hiện 68 dự án với 674 hội viên thực hiện. Trong khi đó, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện, xã là hơn 14 tỷ đồng với 1.814 hội viên vay vốn.
Việc vay vốn từ Quỹ hỗ trợ giúp cho nhiều hộ nông dân có vốn sản xuất và nhiều hộ đã giúp đỡ lẫn nhau cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực miền núi. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như tốc độ tăng trưởng nguồn vốn còn chậm, năng lực trình độ cán bộ Hội hạn chế, một số huyện, thị nguồn vốn vận động được cho vay nhỏ lẻ, khó xây dựng được mô hình tổ hợp nông dân liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa lớn.
Theo bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được hơn 45 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân, số tiền này đang cho nhiều lượt nông dân vay để sản xuất kinh doanh. Hội Nông dân tỉnh đã cho vay bằng hình thức cho tổ nhóm nông dân liên kết sản xuất hàng hóa vay, để các hộ nông dân vừa áp dụng khoa học kĩ thuật, vừa giúp đỡ nhau trong sản xuất. Hiện các hộ nông dân được vay vốn đều sử dụng vốn hiệu quả, mức thu nhập tăng lên.
Năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân phát triển, đồng thời chỉ đạo cơ sở thực hiện hỗ trợ nông dân cho vay theo tổ hợp tác, tổ liên kết để tiến tới xây dựng phát triển lên hợp tác xã, thực hiện đúng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và hướng dân nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất. Từ đó, giúp người nông dân có thêm nghị lực để hướng tới thoát nghèo.
Nguyễn Nam