Chiều 11/4 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội thảo tổng kết đánh giá dự án: "Xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhận thức sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Việt Nam".

Hội thảo nhằm tổng kết các kết quả và tác động của dự án; chia sẻ các mô hình và giải pháp điển hình; các đề xuất, kiến nghị dựa trên kết quả dự án nhằm góp phần xây dựng môi trường chính sách thuận lợi cho phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam. Qua đó, ứng phó với hoạt động quản lý rác thải trong sản xuất cà phê – một trong những thách thức lớn đối với ngành cà phê Việt Nam trong giai đoạn chuyển mình theo hướng bền vững và hội nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo, đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, ngành cà phê tại Đắk Nông đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc sử dụng vật tư nông nghiệp chưa hợp lý, dẫn đến suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Tuy nhiên từ khi thành lập các tổ Khuyến nông cộng đồng với 61 Tổ có 705 thành viên tham gia, bước đầu đã mang lại những kết quả thiết thực cho người trồng cà phê tại địa phương. Đặc biệt, thông qua các lớp tập huấn đã có 90 - 100% học viên không còn sử dụng thuốc trừ cỏ các loại, một số Tổ khuyến nông chủ động phân tích mẫu đất, bón phân hợp lý để hướng đến giảm phát thải khí Carbon trong sản xuất cà phê nói riêng, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.

Để duy trì những thành quả này, bà Thảo cũng đề xuất các giải pháp như tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng trong việc sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm và thu gom, xử lý chất thải trong sản xuất cà phê; hỗ trợ kinh phí cho tổ khuyến nông cộng đồng thực hiện truyền thông; ban hành quy định về trách nhiệm của những cơ sở sản xuất, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong nước phải có trách nhiệm trong nhiệm vụ thu góm, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng…
Theo ông Nguyễn Thanh Lộc, Giám đốc điều hành Bình Đông Farm (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) nhận định, vấn đề then chốt trong sản xuất cà phê bền vững là xử lý nước thải và vỏ cà phê trước khi thải ra môi trường. Trên thực tế, đơn vị này ưu tiên chọn các giải pháp ít phải sử dụng nước trong các nhà máy chế biến ướt và nhà máy xát vỏ, sàng phân loại hạt cà phê trong quá trình sản xuất, chế biến. Đối với nguồn nước thải, sẽ được xử lý qua hệ thống hồ lắng, kết hợp với men vi sinh để xử lý chất thải, vỏ cà phê cũng được tận dụng để ủ phân hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học. Sau khi được xử lý, nước và vỏ và phê sẽ được tái sử dụng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng năng suất cho cây cà phê.

Dự án "Xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhận thức sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Việt Nam" do Tổ chức Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP) tại Việt Nam tài trợ kinh phí, Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì thực hiện.
Dự án được triển khai trong năm 2024-2025 với mục tiêu chính là thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững tại Việt Nam. Từ tháng 6 năm 2024 đến nay, dự án đã được thực hiện tại 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum với nhiều hoạt động như tổ chức 12 lớp tập huấn TOT (Đào tạo giảng viên) cho 360 cán bộ khuyến nông và nông dân nòng cốt; thực hiện 2 hội thảo đối thoại chính sách với sự tham gia của 300 đại biểu; thực hiện 2 tọa đàm truyền thông với sự tham gia của 240 đại biểu, góp phần lan tỏa nhận thức và trách nhiệm về môi trường trong cộng đồng.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có hơn 709 nghìn ha, diện tích cho sản phẩm hơn 656 nghìn ha với năng suất cà phê nhân bình quân 2,97 tấn/ha diện tích cho sản phẩm, sản lượng đạt hơn 1,95 triệu tấn và tổng sản lượng xuất khẩu 1,78 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu trị giá hơn 4,06 tỉ USD, tăng 13,8 % về sản lượng và tăng 32% về giá trị so với năm 2021. Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đồng thời cũng là mặt hàng đóng góp đáng kể vào thu nhập của các hộ gia đình.
Nguyễn Dũng