Từng là một xã khó khăn nhất của huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), ngày nay, Nậm Pì đã có nhiều khởi sắc. Đồng bào các dân tộc đã có cuộc sống ổn định hơn, biết làm kinh tế; nhiều hủ tục lạc hậu đang dần bị loại bỏ.

Bản làng "thay da, đổi thịt"
Bản Nậm Sập, xã Nậm Pì giờ đây đã có điện, đường bê tông, nhà cửa kiên cố 24 hộ dân an tâm sinh sống ở vùng tái định cư. Anh Lò Văn Luân, người dân bản Nậm Sập chia sẻ: Trước đây, dân bản chủ yếu sống rải rác ở ven suối, có những lúc mưa to, gió lớn, nhiều gia đình phải di tản trong đêm. Nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền, từ năm 2022, bà con được di dời đến chỗ ở mới. Người dân trong bản rất phấn khởi và biết ơn cấp ủy chính quyền các cấp đã quan tâm. Giờ bà con chỉ tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Là bản có 48 hộ dân và 250 nhân khẩu với 100% dân số là người dân tộc Mảng, Pá Sập giờ đây đã "thay da, đổi thịt". Bản nằm trên một ngọn núi cao, nhà cửa san sát, đường bê tông sạch sẽ. Nếu như ngày xưa, đàn ông dân tộc Mảng thường sa vào vào các tệ nạn, hủ tục như nghiện rượu, nghiện thuốc lào, tảo hôn...; vài năm trở lại đây, họ đã cai được rượu, nhận thức thay đổi, quan tâm đến việc làm nông nghiệp, nhà cửa, lo cho gia đình.
Anh Pàn Văn Len, Trưởng bản Pá Sập cho biết: Đời sống của người Mảng ở bản đã thay đổi. Người lớn biết làm ăn nên các hộ không còn bữa đói, bữa no như trước nữa. Thanh niên giờ đã biết đi làm ăn xa ở các tỉnh dưới xuôi để gửi tiền về chăm lo cho gia đình.
Việc sắp xếp, ổn định dân cư là một trong những điểm sáng nổi bật, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Từ một xã có 5/9 bản sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, đến cuối năm 2022, Nậm Pì có 4 bản và 3 nhóm ở đã được di dời đến chỗ ở mới an toàn. Người Mảng, người Mông càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Đường lối, chủ trương đi vào cuộc sống, nhân dân đồng thuận đã làm thay đổi bộ mặt của Nậm Pì.
Trở lại 5 năm trước, Nậm Pì có rất nhiều khó khăn như: Trụ sở làm việc của xã phải nhờ nhà văn hóa bản; lực lượng cán bộ yếu và thiếu; cơ sở hạ tầng như đường xá, trường học, trạm y tế nghèo nàn, hư hỏng; nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là đồng bào dân tộc Mảng. Người Mông vẫn còn giữ nhiều hủ tục lạc hậu. Bà con chủ yếu sống ven rừng, ven suối, di cư tự do… tỷ hệ hộ nghèo chiếm tới hơn 65%, thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 13 triệu đồng/năm.
Để giải quyết khó khăn, Nậm Pì được tập trung đầu tư, đồng thời huy động xã hội hóa nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất. Cuối năm 2021, xã đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở khang trang. Cán bộ, công chức xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn nhằm đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với tinh thần “Khó ở đâu, vượt lên ở đó; vướng ở đâu, gỡ ở đó”, đến nay 100% cán bộ xã có trình độ đại học trở lên; không còn tình trạng lớp học, trường học tạm; hơn 68% hệ thống giao thông được cứng hóa… Giờ đây, địa phương đã thay đổi ngày một tốt lên, bộ mặt nông thôn khởi sắc.
Nhiều hủ tục bị bỏ lại phía sau
Điều đặc biệt, người Mảng, người Mông ở địa phương đã thay đổi được nhận thức để vươn lên làm chủ cuộc sống. Người Mảng đã cai được rượu, người Mông đã dần bỏ được các hủ tục như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; người chết không cho vào áo quan; thách cưới và tổ chức dài ngày… Tỷ lệ tảo hôn từ 50% (năm 2020) giờ giảm xuống còn 15%, hộ nghèo giảm xuống còn 48%, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 25 triệu đồng/năm.
Nhiều chính sách đặc biệt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đều được xã triển khai thực hiện hiệu quả đã giúp người dân biết chăn nuôi, trồng trọt… phát triển kinh tế gia đình.
Tại bản Nậm Pì, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi được triển khai cuối năm 2024. Theo đó, 207 con lợn được nhóm 6 gia đình được nuôi tập trung, hiện đàn lợn phát triển tốt. Chị Lò Thị Hoạt, Nhóm trưởng cho biết, sau khi cán bộ xã xuống tuyên truyền, thông tin các yêu cầu, mục đích và lợi ích của dự án, bà con rất hứng khởi thực hiện và đăng ký tham gia. Các hộ gia đình sẽ giúp nhau phát triển kinh tế để bản ngày càng tươi sáng hơn.

Năm 2024, hơn 20 tỷ đồng từ nguồn các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phân bổ để thực hiện các dự án hỗ trợ người dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế. Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc (lợn, bò và dê…) ra đời và đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ giúp nhiều bà con vươn lên thoát nghèo.
Chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, con em học sinh người Mảng, người Mông được học trong những phòng học khang trang, trường học sạch sẽ. Thầy Bùi Văn Nhiệt, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Pì chia sẻ: Học sinh của trường đa phần là các em người Mảng và người Mông. Hiện nay, cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư khang trang, giúp thầy cô giáo và học sinh thuận lợi trong việc dạy và học tập.
Những đổi căn bản trên đều có vai trò đóng góp quan trọng của cấp ủy, chính quyền xã trong việc kiên trì vận động bà con cùng làm kinh tế, thay đổi nhận thức. Đặc biệt là việc bám sát cơ sở của cấp ủy và những cán bộ nhiệt huyết để giải quyết khó khăn trong thực hiện các chính sách đặc biệt mà Nhà nước tập trung phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch UBND xã Nậm Pì Vũ Văn Thân thông tin, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng các giải pháp để tập trung thực hiện. Đặc biệt, từ khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22/12/2023 về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030, xã càng có động lực, quyết tâm thực hiện. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hàng Đảng bộ, đảng viên phụ trách các bản xuống tuyên truyền vận động bà con phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Giờ đây, nhiều thanh niên ở xã đã mạnh dạn đến các tỉnh khác làm ăn, có nguồn thu nhập gửi về để giúp phát triển kinh tế gia đình.
Vẫn còn nhiều điều cần làm để giúp người Mảng, người Mông xóa đói giảm nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Nhưng có thể thấy, đói nghèo, lạc hậu, hủ tục đã và đang bị bỏ lại phía sau. Diện mạo mới của Nậm Pì đang khởi sắc, cuộc sống của những con người chân chất nơi đây sẽ ngày càng tốt hơn.
Nguyễn Oanh