Ngày 10/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp Tổ biên tập xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cho đồng bào Tây Nguyên”.

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Thái Văn Tài cho biết: Thời gian qua, quy mô giáo dục trên toàn quốc tiếp tục được củng cố, sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân và toàn xã hội, từng bước xây dựng xã hội học tập. Các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đều được đảm bảo điều kiện tham gia học tập. Việc đầu tư cơ sở vật chất, phát triển quy mô, mạng lưới, công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai bước đầu có hiệu quả tại một số địa phương, góp phần tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh và hiệu quả.
Giai đoạn 2021-2025, kết quả phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học, phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực và thu hẹp dần khoảng cách với các địa phương trong cả nước.
Các hình thức giáo dục thường xuyên, công tác xóa mù chữ, việc thực hiện các mục tiêu về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đẩy mạnh; trong đó, tập trung quan tâm tới các đối tượng người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các đối tượng thiệt thòi khác nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, giảm nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Đối với vùng Tây Nguyên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông chia sẻ, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chất lượng giáo dục ở nhiều phương diện còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học còn ở mức cao. Chất lượng dạy học môn tiếng dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nhiều địa phương thiếu nguồn tuyển giáo viên, phần lớn đội ngũ chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đầy đủ theo chuẩn.
Bên cạnh đó, quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hạ tầng công nghệ thông tin khó khăn, có nhiều điểm lõm về sóng viễn thông, internet. Kinh phí đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp, cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa thực sự phát huy hiệu quả. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo cho đồng bào Tây Nguyên là vấn đề cấp bách, cần phải thực hiện với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi.
Tại phiên họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, góp ý liên quan đến việc đánh giá thực trạng, đặc thù giáo dục, căn cứ pháp lý, giải pháp thực hiện công bằng giáo dục, các tiêu chí đánh giá, chỉ tiêu đầu tư và phân bổ nguồn kinh phí thực hiện Đề án…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án phải được đánh giá rất sát thực trạng của vùng miền, từ đó mới đề xuất các nội dung, mục tiêu, giải pháp, đầu tư nguồn lực trọng tâm, trọng điểm.
Thứ trưởng lưu ý với Tổ biên tập khi xây dựng Đề án chú trọng đảm bảo nguyên tắc, quan điểm là phát triển nhanh nhưng bền vững. Các chỉ tiêu, yêu cầu phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tế và đặc thù vùng miền; đưa ra những dự báo, dự kiến có thể phát sinh trong quá trình thực hiện. Các nhiệm vụ, giải pháp cần được rà soát, tham khảo để không chồng chéo, trùng lắp với các chương trình, đề án trước đó nhằm triển khai Đề án hiệu quả.
Việt Hà