Trời lạnh tăng nguy cơ đột quỵ: dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh

Cục máu đông gây đột quỵ não. Ảnh: benhvien108.vn
Cục máu đông gây đột quỵ não. Ảnh: benhvien108.vn

Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và đứng thứ ba gây tử vong tại nước ta. Điều đáng nói, không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi, giờ đây bệnh nhân đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. Đáng báo động hơn khi vào mùa đông, nguy cơ đột quỵ tăng cao hơn 15% so với những mùa khác.

Trời lạnh tăng nguy cơ đột quỵ: dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh ảnh 1Cục máu đông gây đột quỵ não. Ảnh: benhvien108.vn

Số người trẻ tuổi nhập viện vì đột quỵ gia tăng

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe và không có những dấu hiệu rõ ràng. Và cứ 6 người thì có 1 người có nguy cơ mắc đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.

Đáng lo ngại, nếu như trước đây đột quỵ là căn bệnh phổ biến của người cao tuổi, nhất là những người trên 50 tuổi có các bệnh nền liên quan, thì gần đây, số người trẻ tuổi nhập viện cấp cứu, thậm chí rơi vào nguy kịch vì căn bệnh này có xu hướng tăng. Theo PGS. TS. Vũ Anh Nhị, những năm gần đây, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa, với mức tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm. Nhiều bệnh viện, đơn vị thậm chí còn tiếp nhận những trường hợp bị đột quỵ khi mới 18, 20 tuổi.

Năm 2020 Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cấp cứu hơn 3.000 ca đột quỵ, trong đó bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm khoảng 17%. Tại bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong hơn một tháng (từ ngày 9/11 đến 15/12/2020) đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó hơn 100 ca là bệnh nhân trẻ có độ tuổi trung bình từ 18-44 tuổi.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội-Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức cho biết, xu hướng trẻ hóa bệnh đột quỵ là do nhiều người trẻ tuổi có thói quen ăn, uống có hại cho sức khỏe (như ăn nhiều muối, chất béo, ăn nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, hút thuốc lá, uống rượu bia…) dễ dẫn tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch. Bên cạnh đó, đột quỵ ở người trẻ có thể là do bệnh tim, dị dạng mạch máu não, lối sống không lành mạnh...

Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng làm gia tăng các nguy cơ đột quỵ. Lạnh đột ngột làm cho các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp, có thể gây xuất huyết não. Việc ít vận động trong thời tiết lạnh giá cũng làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ. Số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh thường chiếm đến 50-70% trong tổng số bệnh nhân đột quỵ cả năm.

Đột quỵ để lại nhiều di chứng và hậu quả nặng nề, trong đó có khoảng 70% số người bị đột quỵ không trở lại được công việc và trạng thái sức khỏe ban đầu. Nhiều bệnh nhân bị đột quỵ tuổi đời còn rất trẻ, chỉ trên dưới 35 tuổi; sau khi được điều trị xong cũng không thể tiếp tục công việc, thậm chí không thể sống tự lập. Xã hội mất đi nguồn lực lao động, người thân phải thêm công sức, tài sản để chăm sóc, điều trị suốt đời. Về lâu dài, các biến chứng đi kèm sau đột quỵ, nhất là viêm phổi cũng khiến cuộc sống người bệnh gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do vì sao người ta vẫn thường nói đột quỵ là căn bệnh rất tốn kém.

Phòng, chống đột quỵ đúng cách và hiệu quả

Thực tế cho thấy, bệnh đột quỵ nếu không phát hiện sớm và cấp cứu chữa trị kịp thời thì rất dễ dẫn đến tử vong hoặc bị liệt toàn thân và sống đời thực vật. Song bệnh này hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu biết cách phòng tránh.

- Lựa chọn thực phẩm phù hợp

Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong các yếu tố nguy cơ, nó có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ nhưng cũng có thể là “người đồng hành” phòng ngừa căn bệnh này, hay thậm chí hỗ trợ cơ thể con người hồi phục sau một cơn đột quỵ. Việc sử dụng các loại thực phẩm cần tuân thủ các khuyến cáo, như: ăn nhiều thực phẩm từ thực vật như rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt; ăn hải sản nhiều hơn, ăn thịt gia cầm và trứng thay vì thịt đỏ. Hạn chế lượng muối, chất béo, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn đường và ngũ cốc tinh chế. Uống nhiều nước, ít nhất 5 cốc mỗi ngày. Nước làm loãng máu, ngăn ngừa máu đông gây ra bệnh tim và đột quỵ.

- Duy trì vận động, thể dục mỗi ngày

Luyện tập thể dục, thể thao giúp tăng lưu lượng máu đến não, điều chỉnh huyết áp và nhịp tim, cải thiện độ nhạy của insulin, từ đó giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Chỉ cần vận động nhẹ nhàng, chơi một số môn thể thao đơn giản, vừa sức với thời gian 30-40 phút/ngày. Có thể chọn những môn thể thao như đi bộ vừa, chạy bộ...

- Khám sức khỏe định kỳ

Đi khám sức khỏe thường xuyên có thể phát hiện sớm các nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó tại Hà NộiTP Hồ Chí Minh, hầu hết các bệnh viện đều thực hiện tầm soát phát hiện sớm đột quỵ. Đây là biện pháp hiệu quả trong phòng ngừa. Những người có tiền sử tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, bệnh mạch vành, mỡ máu cao, tiểu đường… cần đi khám bệnh 3 đến 6 tháng/lần, hoặc theo chỉ định của bác sỹ. Đặc biệt, người tăng huyết áp thể cao dao động, có kèm mỡ máu cao phải hết sức lưu ý, cần kiểm soát huyết áp và chỉ số mỡ máu ở mứcan toàn.

- Tránh căng thẳng

Căng thẳng và trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Nếu cảm thấy lo lắng và căng thẳng, hãy tìm cách giải tỏa bằng cách nghe nhạc, đi bộ hoặc làm những việc khiến tâm trí trở nên thoải mái...

Dấu hiệu thường thấy của đột quỵ

Đột quỵ thường không có dấu hiệu rõ ràng, nhưng thường có 1 (hoặc hơn 1) trong số các biểu hiện sau:

- Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt.

- Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, đặc biệt thấy rõ khi nói hoặc cười.

- Nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.

- Tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác; đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.

- Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.

- Nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

Trong trường hợp người thân có dấu hiệu đột quỵ trên thì người nhà cần lập tức đưa đến cơ sở y tế sớm nhất. “Giờ vàng” cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ chỉ kéo dài khoảng 3-4 giờ. Người bệnh được can thiệp, điều trị càng sớm trong “giờ vàng”, tỷ lệ hồi phục càng cao và ngược lại.

Tuyệt đối không tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu hay đánh gió... Vì những động tác này có thể làm chậm trễ việc điều trị, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

Minh Hiếu (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm