Tiêm đủ vaccine để phòng tránh bệnh ho gà

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 40 bệnh nhân mắc bệnh ho gà đều có những biến chứng viêm phổi nặng. Các ca bệnh đã được điều trị thành công, hiện còn 10 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

“Trong số 40 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, các bệnh nhân chủ yếu đều dưới 3 tháng tuổi và đến lịch tiêm phòng. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, trẻ chưa được tiêm phòng. Chủ động phòng, chống bệnh ho gà, tiêm vaccine là quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Tuy nhiên, cũng có vài ca lớn tuổi đã tiêm vaccine phòng ho gà đủ các mũi cơ bản nhưng vẫn bị ho gà do trẻ chưa được tiêm phòng nhắc lại”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 17 ca mắc bệnh ho gà; trong khi cùng kỳ năm 2022 và năm 2023 không ghi nhận ca bệnh. Đáng lưu ý, qua khai thác bệnh án, đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, ho gà là bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa Đông - Xuân. Ho gà lây lan nhanh hơn virus cúm, 1 người có thể lây cho 12-17 người. Trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường có diễn biến nặng.

Bệnh lây qua đường hô hấp do vi khuẩn ho gà gây nên, thường ủ bệnh từ khoảng 7-20 ngày. Bệnh thường khởi phát bởi triệu chứng ho nhiều, chảy nước mũi và có thể có sốt nhẹ. Sau đó, ho một loạt các cơn ho liên tục, trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, ho kéo dài dẫn tới việc trẻ nôn ọe, không ăn được, mệt mỏi, chảy nước mắt, nước mũi, kiệt sức.

Cơn ho dai dẳng khiến cho trẻ đỏ bừng mặt hay tím tái cả người. Sau cơn ho, bệnh nhân xuất hiện thở rít nên người ta gọi là ho gà. Cơn ho khiến trẻ khó chịu, mất ngủ về đêm, kém ăn, bỏ ăn, gây suy dinh dưỡng và các bệnh lý khác... Bệnh ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng, do ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não...

Bệnh ho gà rất dễ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có và khả năng lây truyền rất cao đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian như hộ gia đình, trường học…

Để chủ động phòng, chống bệnh ho gà, các cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch: Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Đối với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ. Để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh uốn ván - bạch hầu - ho gà (Tdap) trong thời gian mang thai.

Song song với đó, cần thực hiện tốt các biện pháp khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.

Trẻ mắc ho gà càng nhỏ tuổi càng có nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Các bậc cha mẹ lưu ý, khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời...

Bích Thủy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm