“Hạn xã hội” - đó là thuật ngữ PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) đưa ra để chỉ tình trạng thiên tai hiện nay ở ĐBSCL. Tình trạng khô hạn, mặn xâm nhập ở ĐBSCL đang tác động mạnh và gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng, vật nuôi trong vùng. Nguồn nước ngọt khan hiếm nghiêm trọng trong sinh hoạt các tỉnh ven biển, gây ra xáo trộn rất lớn cuộc sống của người dân. Đáng lưu ý, tình trạng người dân rời bỏ quê ở những vùng đất sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng hạn, mặn ngày càng gia tăng. Con số thiệt hại được ghi nhận ít nhất 160.000ha lúa bị thiệt hại. Ngoài ra, các cây trồng công nghiệp, vật nuôi cũng thiệt hại nặng.
Đồng bằng sông Cửu Long trong nguy cơ thiếu phù sa nghiêm trọng |
Các số liệu từ các nhà khoa học cho thấy, mực nước và dòng chảy sông Mê Kông bắt đầu giảm từ năm 2000. Đó cũng là thời điểm các nước bắt đầu xây dựng nhiều đập thủy điện trên dòng Mê Kông. Tại buổi tòa đàm, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: Phía Trung Quốc hoàn toàn không cung cấp số liệu, quy trình xả nước. Đây là khó khăn để phán đoán, đưa ra dự báo chính xác. Tuy nhiên, khi tiếp cận và phân tích nguồn nước từ trạm Chiang Saen (Thái Lan) cho thấy, sẽ không có thay đổi nhiều, do xả nước không liên tục. Trong khi đó, các nước như Thái Lan, Campuchia, Lào cũng rơi vào tình cảnh khô hạn. Đặc biệt, Thái Lan đang tận dụng nhiều phương tiện để hút và tích trữ nước ngọt chống hạn. Nên khả năng nguồn nước về đến cuối nguồn sông Mê Kông càng hạn hẹp.
“Trung Quốc xả nước cho nhu cầu sản xuất điện hơn là cho các nước hạ nguồn sông Mê Kông sử dụng cho sinh hoạt. Lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng không thể đẩy mặn cho ĐBSCL”, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Biến đổi khí hậu nhận định. Một số ý kiến tỏ ra lo lắng về phản ứng của lãnh đạo các địa phương và những thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Năm ngoái tiếp tục lũ nhỏ kỷ lục. Từ tháng 9-2015, các dự báo về khô hạn, xâm nhập mặn đã cảnh báo khốc liệt trong mùa khô năm 2016. Thế nhưng, gần như các địa phương chưa đưa ra giải pháp gì khuyến cáo cụ thể cho nông dân. Ngoại trừ, 1-2 địa phương khuyến khích nông dân bỏ bớt 1 vụ sản xuất lúa để né hạn. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần tìm ra cơ hội tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hạn, mặn ngày gia tăng khốc liệt. Cách đây 3 năm, khi ĐBSCL cũng rơi vào cảnh hạn, mặn nghiêm trọng, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã kiến nghị: “Bộ NN&PTNT nên cho phép một số địa phương xây dựng đề án, tích nước ngọt cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Nếu được, Hậu Giang sẽ đi tiên phong làm thí điểm”!
ĐBSCL “đang chìm”!
“Khả năng đến tháng 6-2016, El Nino sẽ kết thúc. Và khả năng sẽ chuyển sang La Nina. Khi đó, ĐBSCL sẽ phải đối diện mưa lũ nghiêm trọng”, một nhà khoa học đưa ra cảnh báo để thấy tính dễ tổn thương của ĐBSCL. Không như Thái Lan, Campuchia hay Lào chỉ phải đối diện khô hạn, đối với châu thổ ĐBSCL cuối nguồn sông Mê Công: Nếu khô hạn xảy ra, hệ lụy kéo theo là nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa. Thiếu nước ngọt, không đủ lực đẩy thì nước mặn từ biển “phản đòn”. Nhưng nhiều người cho rằng, nỗi lo về sự phát triển của vùng đất trù phú ĐBSCL lớn hơn người ta nghĩ. Câu chuyện các nước thượng nguồn đua nhau xây đập thủy điện không chỉ làm suy kiệt nguồn nước, nguồn thủy sản, mà còn tác động rất lớn đến “địa tầng” đã kiến thiết nên ĐBSCL trong hàng nghìn năm qua. Đó chính là nguồn “dinh dưỡng” phù sa nằm lại ở các đập thủy điện không thể về đến đồng bằng. Vì vậy, không khó hiểu khi xu hướng sụp lún diễn ra ngày càng nhiều trong vùng và không có khả năng hồi phục. Thậm chí có nhà khoa học cảnh báo: ĐBSCL đang chìm!
“Không chỉ là câu chuyện nước ngọt, mà phải bàn đến phù sa. Nói đến ĐBSCL phải nghĩ đến biển; đến lưu vực sông Mê Kông và biển. Cần thấy rằng, gạo, cá, tôm... của ĐBSCL ai ăn (đây là 3 mặt hàng chiến lược mà Việt Nam xuất khẩu ra khắp thế giới - PV), bảo vệ ĐBSCL không phải chỉ riêng ĐBSCL! Đừng nhìn ĐBSCL như sân vườn của mình. Phải nhìn, ĐBSCL là vấn đề quốc tế”, tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) đặt vấn đề nhìn nhận cho đúng vị thế của ĐBSCL với thế giới. Phải chăng, đó cũng là một cách để các nước trong khu vực và thế giới có phản ứng đúng chuẩn với vùng đất cung cấp nhiều lương thực, hàng hóa thủy sản cho khu vực và thế giới. Còn trước mắt, các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo: ĐBSCL nên có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, bớt quá nặng trồng lúa. Vì để có 1 tấn lúa, cần đến 4.500-5.000m3 nước. Cần phải tính toán: Đánh giá 1m3 nước được bao nhiêu tiền thay vì đánh giá trên năng suất. Đây là cách để chúng ta tăng nhận thức về tài nguyên.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng: Lâu nay hạ nguồn sông Mê Kông có được 3 túi nước để cân bằng một phần sinh thái. Đó là hồ Tonle Sap (Campuchia) và khu vực Đồng Tháp Mười (khoảng 700.000ha), Tứ giác Long Xuyên (590.000ha). Hàng năm khi lũ thượng nguồn về, 3 túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL: mùa lũ thì cất giữ làm lũ hiền hòa, từ từ nhả nước ra bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu đẩy nước mặn. Chính vì vậy, cần phải xem xét lại việc đắp đê bao, sản xuất lúa vụ 3 ở khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Các nhà khoa học cho rằng, ĐBSCL nên chọn các giải pháp đầu tư ít hối tiếc, tránh đầu tư công trình lớn, thiếu hiệu quả. Khuyến khích các công trình nhỏ, cơ động, cống đập thời vụ; điều chỉnh thiết kế các hệ thống thủy lợi lớn theo hướng đa mục tiêu...
“Hoang hóa, sa mạc hóa”, mùa khô hạn - giờ người ta nói nhiều về điều đó về một số vùng đất ở ven biển ĐBSCL. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối, những kỹ năng thích ứng với thiên nhiên của người dân ĐBSCL như dùng lu, hũ, kiệu... trữ nước mưa để dùng trong mùa khô hạn đang bị quên lãng. Nhiều nhà khoa học cho rằng câu chuyện đầu tư “ít hối tiếc” là rất quan trọng. Bởi trước đây, khi thực hiện dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau, khép đê bao đưa ngọt về, dân cuốc đập Láng Trâm lấy nước mặn... là một bài học đắt giá. Và hơn bao giờ hết, chuyện sử dụng tài nguyên: bao giờ cũng là chọn lựa mang tính xã hội, có sự đồng thuận trên và dưới.