Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu năm 2025 tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo quy hoạch, giữ tỷ lệ che phủ rừng trên 46%, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường của từng loại rừng, nâng cao giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh phấn đấu trong năm tới giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 770 tỷ đồng, chăm sóc 730 ha rừng trồng phòng hộ, đặc dụng, trồng hơn 1,1 triệu cây xanh phân tán, khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng đạt từ 18.500 ha trở lên, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 1.500 ha rừng...
Để đạt được mục tiêu này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và địa phương cho bảo vệ và phát triển rừng, các chính sách hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng, hỗ trợ vùng đệm, các chính sách theo Đề án sản phẩm chủ lực của tỉnh... tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp, bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, thực hiện quy chế phối hợp 3 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn - Lạng Sơn trong quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng...
Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết, điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đó là các chỉ tiêu được giao đều hoàn thành và vượt kế hoạch; trong đó, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 128,6% kế hoạch, trồng cây phân tán đạt 121,58% kế hoạch, sản lượng lâm sản khai thác đạt 106,72% kế hoạch...
Đến nay, một số chỉ tiêu được giao đã hoàn thành vượt mức kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 đề ra như: phát triển rừng gỗ lớn đạt 279,1% kế hoạch; triển khai Đề án trồng một tỷ cây xanh đạt 174,01% kế hoạch; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 811,92% kế hoạch...
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, năm 2024, tổng diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4.370 ha, trong đó rừng phòng hộ gần 150 ha và rừng sản xuất: trên 4.200 ha. Toàn tỉnh có 61 cộng đồng dân cư vùng đệm các khu rừng đặc dụng được hỗ trợ với mức hỗ trợ là 40 triệu đồng/thôn, bản/năm, nguồn kinh phí hỗ trợ chủ yếu cho các hoạt động nâng cao năng lực phát triển sản xuất, hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn bản.
Thông qua việc triển khai hỗ trợ cộng đồng kết hợp với công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân vùng đệm đối với bảo vệ rừng, diện tích rừng đặc dụng được nâng cao, gắn chặt quyền lợi, trách nhiệm của cộng đồng đối với bảo vệ tài nguyên rừng. Năm 2024, diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC là hơn 9.100 ha, nâng tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC của toàn tỉnh lên hơn 11.360 ha với hơn 6.200 hộ tham gia. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cũng kiên quyết xử lý 82 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu gần 100 m3 gỗ quy tròn, xử phạt vi phạm hành chính và bán tang vật tịch thu nộp ngân sách trên 600 triệu đồng...
Tuy vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Thái Nguyên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: số vụ vi phạm về khai thác rừng trái phép, phá rừng vẫn còn xảy ra tại huyện Võ Nhai. Công tác lập, phê duyệt phương án sử dụng đất đối với diện tích đất có nguồn gốc từ các lâm trường bàn giao về địa phương để giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng còn chậm, gặp nhiều khó khăn.
Việc phát triển trồng quế theo Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại huyện Định Hóa, Võ Nhai còn chậm, chưa đảm bảo diện tích theo kế hoạch được giao.... Nguyên nhân của tình trạng này do diện tích rừng tự nhiên tại một số huyện lớn, địa hình rừng núi đá hiểm trở, giáp ranh với nhiều địa phương của tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Lạng Sơn, trong khi đó lực lượng biên chế Kiểm lâm còn thiếu nên việc quản lý bảo vệ rừng tại một số nơi còn gặp nhiều khó khăn.
Mức hỗ trợ trồng quế theo Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh với ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 50% giá cây quế giống, nhưng không quá 5 triệu đồng/ha trong khi đời sống của nhân dân còn khó khăn, thực hiện trồng quế phải mất nhiều công lao động nên chưa khuyến khích được người dân tham gia trồng quế. Các huyện chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây quế trên địa bàn và cũng chưa hình thành được cơ chế liên doanh, liên kết giữa các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế với người dân...
Hoàng Thảo Nguyên