Hiện nay, một số địa phương ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đang lựa chọn mô hình nuôi gà ta thả vườn theo hướng an toàn sinh học để phát triển kinh tế, bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả cao giúp nhiều nông hộ trên địa bàn thoát nghèo.
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, những năm gần đây, xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng đến việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tuyên truyền vận động nhân dân đưa các giống cây, con có hiệu quả tốt vào phát triển kinh tế, trong đó, mô hình nuôi gà thả vườn đang phát triển hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân.
Tận dụng diện tích đất vườn rộng, tháng 4 năm 2024, gia đình chị Lâm Thị Ánh (SN: 1986) xóm Tân Đô, xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã được thụ hưởng dự án chăn nuôi gà với số lượng 200 con giống, người dân đối ứng 30%, dự án hỗ trợ 70%.
Ngay sau khi nhận được hỗ trợ, gia đình chị Lâm Thị Ánh đã xây dựng chuồng trại thực hiện theo hướng bán chăn thả. Chị Lâm Thị Ánh chia sẻ: "Gia đình tôi không chỉ được cấp gà giống, cấp cám mà còn được tập huấn kỹ năng chăn nuôi để gà nhanh chóng sinh trưởng và phát triển tốt.
Chia sẻ về cách chăm sóc đàn gà, chị Ánh bộc bạch, nhờ có cán bộ Trung tâm khuyến nông thường xuyên tập huấn cộng với kinh nghiệm sẵn có nên quá trình chăn nuôi không gặp nhiều khó khăn. Theo chị Ánh, đặc điểm nổi bật của giống gà ri lai được cấp là chịu khó kiếm ăn, sức chống chịu với thời tiết và bệnh tật cao, nuôi con khéo, thịt có hương vị thơm ngon, nhất là gà mái tơ.
Cách chọn gà ri lai chuẩn đó là cần chọn những con gà mắt sáng, nhanh nhẹn và đều nhau, lông bông, da chân săn, không hở rốn, chân mập, dùng gọn. Quá trình chăn nuôi cần chọn địa điểm cao ráo, thoáng mát, nên thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ bằng cách phun thuốc sát trùng.
Cũng là một trong những hộ được nhận gà giống hỗ trợ, gia đình anh Chu Văn Hưởng, người dân tộc Nùng ở xóm Tân Đô, xã Hoà Bình đã nhận được 100 con gà ri lai.
Anh Hưởng cho biết, mặc dù không phải là giống gà địa phương, nhưng đàn gà nhà anh thích ứng rất nhanh với điều kiện thời tiết cũng như tập quán chăn nuôi của địa phương. Gà lớn nhanh với tỷ lệ sống gần như tuyệt đối.
Với anh Hưởng đàn gà này không chỉ mở ra cho chị cơ hội tăng thu nhập, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho anh và các thành viên trong gia đình. “Lúc mới nhận gà mình cứ lo không biết có nuôi được không, nhưng giờ thì thấy rất dễ chăm sóc, gà lớn nhanh, rất đẹp. Gia đình sẽ chăm sóc thật cẩn thận để chúng phát triển tốt.
Trong 13 hộ dân được thụ hưởng dự án, các gia đình đều thực hiện chăn nuôi theo hướng bán chăn thả, kết hợp kinh nghiệm giữa nuôi gà truyền thống và áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, trong đó, chế độ dinh dưỡng và biện pháp phòng bệnh trên đàn gà ở từng độ tuổi đã được các hộ dân đặc biệt quan tâm và chú trọng thực hiện theo đúng quy trình.
Ông Hoàng Văn Quân, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: Năm 2023 số hộ nghèo, cận nghèo toàn xã là 103 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã là 103/793 hộ = 12,98% (103 hộ nghèo, cận nghèo/793 hộ, trong đó có 16 hộ không có khả năng lao động). Năm 2024 xã Hòa Bình thực hiện giảm 45 hộ để đạt tỉ lệ dưới 8,0% đủ điều kiện hoàn thành tiêu chí.
Hàng năm chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn hướng dẫn bà con về cách chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi theo công nghệ mới, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với mô hình chăn nuôi gà đang được triển khai tại địa phương do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp trực tiếp hỗ trợ và hướng dẫn được bà con tin tưởng thực hiện chăn nuôi rất tốt, chất lượng gà được thị trường ưa chuộng, tin dùng.
Hoàng Thảo Nguyên