Thái Nguyên hỗ trợ đồng bào các DTTS phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên

Từ sự quan tâm, hỗ trợ Đảng, Nhà nước, thông qua các nguồn lực hỗ trợ đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã từng bước phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Ảnh 17.1.jpg
Vùng sản xuất chè an toàn của đồng bào các dân tộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa

Tỉnh Thái Nguyên có 51 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 50 dân tộc thiểu số với dân số là 384.379 người, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh sinh sống chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao gồm: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ và Đại Từ.

Trong những năm qua thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự kết hợp đồng bộ, chặt chẽ và trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương; sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đến nay kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển; các chính sách dân tộc được thực hiện đã tác động rất lớn đến các mặt kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, phát huy được sự sáng tạo của người dân và toàn xã hội, làm thay đổi cơ bản diện mạo khu vực nông thôn vùng DTTS&MN của tỉnh, đời sống của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện.

Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, với 10 dự án thành phần đã tác động trực tiếp, toàn diện đến đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh. Cụ thể, Thái Nguyên đã huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2024 đạt trên 630 tỷ đồng.

Anh 17.2.jpg
Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Bệnh viện huyện Võ Nhai

Các đơn vị, địa phương đã thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 6.300 hộ; đầu tư xây dựng 29 công trình nước sinh hoạt tập trung; 724 hộ được vay vốn hỗ trợ làm nhà ở; xây dựng 3 dự án ổn định dân cư tập trung; đầu tư xây dựng 268 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu và duy tu, bảo dưỡng trên 110 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước.

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục lồng ghép nhiều chương trình, dự án và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN. Đến nay, đã có 100% các xã và trên 99% các xóm thuộc vùng DTTS&MN của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 96% hộ gia đình vùng DTTS&MN được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng DTTS&MN có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố, trong đó trên 90% trạm y tế xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN giảm 5,1%; đã giảm được 8 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Qua đó, góp phần làm cho diện mạo vùng đồng bào DTTS&MN có bước phát triển khá toàn diện; thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng tỷ lệ hộ dân là người DTTS biết làm giàu từ những mảnh đất nơi mình sinh sống. Đồng thời các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên.

Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên khẳng định” Triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm cho diện mạo vùng đồng bào DTTS& MN có bước phát triển khá toàn diện; thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng tỷ lệ hộ dân là người dân tộc thiểu số biết làm giàu từ những mảnh đất nơi mình sinh sống; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, cơ sở vật chất của trường lớp học, trạm y tế được quan tâm đầu tư, công tác chăm sóc y tế có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được cải thiện.

Từ những nền tảng căn bản đó đã giúp cho đồng bào các DTTS của tỉnh phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng cùng cả tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên giàu đẹp.

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm