Du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn gìn giữ văn hóa các dân tộc và sản phẩm địa phương đang được tỉnhThái Nguyên đầu tư khai thác hiệu quả.
Khai thác tiềm năng du lịch
Với đặc điểm địa lí tự nhiên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có 10 xã nằm ven chân dãy núi Tam Đảo, nơi có khí hậu trong lành, nhiều cảnh quan thiên nhiên sông suối núi rừng đẹp, hệ sinh thái động, thực vậtphong phú, đa dạng,có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.Đặc biệt, Đại Từ có sản phẩn chè ngon nổi tiếng trong nước và Quốc tế. Nơi đây tự hào là An toàn khu cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đại Từ hiện có 169 điểm di tích lịch sử và danh thắng. La Bằng và Hoàng Nông là 2 xã nổi bật hơn trong số các xã có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, văn hóa, tâm linh.
Thời gian qua, hoạt động du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà và văn hóa các dân tộc từng bước được huyện Đại Từ đầu tư, khai thác và hình thành tiêu biểu như điểm Du lịch cộng đồng vùng chè La Bằng và Hoàng Nông.
Được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận, điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ, do Hợp tác xã (HTX) Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng tổ chức quản lý. Đây là điểm có khu sinh thái suối Kẹm bắt nguồn từ đỉnh non xanh Tam Đảo, hai bên bờ suối là những thảm cây rừng nguyên sinh của chân núi Tam Đảo, xen lẫn bãi đá, trên cung đường di chuyển, với 4 bãi tắm khá rộng và các điểm checkin đẹp bên bãi đá và các tầng thác. Trên địa bàn hiện có 5 nhà hàng phục vụ ăn uống và kinh doanh dịch vụ nghỉ lưu trú Homestay, gồm: La Bằng xanh, Huệ Phúc, La Bằng homestay, Tân Sơn quán, Nhà hàng suối Kẹm.
Cộng đồng dân cư khu vực La Bằng còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa dân tộc như: hát then - đàn tính, lễ cấp sắc,tết nhảy của đồng bào người Dao, văn hóa trà, các nghề thủ công... có phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ, thiên nhiên ưu đãi, là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế và thuận lợi để thu hút và đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm vùng chè.
Anh Nguyễn Văn Tới, người dân tộc tày, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: La Bằng homestay bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2020, tuy còn mới nhưng đã được nhiều khách trong nước và quốc tế biết tới, đến trải nghiệm và lưu trú.
Trước đây, gia đình chỉ trồng và chế biến chè, thu nhập cũng chưa ổn, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng tại La Bằng có nhiều thuận lợi, mát mẻ, trong lành, cứ cuối tuần du khách tìm đến La Bằng để nghỉ dưỡng ngày càng nhiều, chính vì vậy anh đã mạnh dạn quyết tâm vay vốn ngân hàng để xây dựng mô hình homestay.
Từ số vốn ban đầu 1,8 tỷ, trên diện tích sẵn có, anh Tới đã đầu tư mô hình homestay với các hạng mục như nhà sàn cộng đồng, bể bơi, nhà hàng, phòng lưu trú nhỏ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 450 – 500 du khách.
Du khách tới La Bằng sẽ được tham quan các điểm di tích Lịch sử tại địa phương, hòa mình vào với thiên nhiên, chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng hùng vĩ, thăm quan suối, thác nước, được thưởng thức các món ăn mang hương vị đặc trưng của núi rừng, bên cạnh đó du khách còn được tìm hiểu về văn hóa dân tộc tại địa phương, thăm đồi chè, thăm quan khu vực sản xuất, chế biến chè nổi tiếng…
Theo anh Tới, mô hình La Bằng homestay không chỉ góp phần tăng thu nhập cho gia đình, mà còn giúp giải quyết từ 15 – 20 lao động địa phương, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.
Phát triển bền vững, hiệu quả
Tương tự như hộ gia đình anh Tới, gia đình anh Lê Văn Phương, xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại từ bén duyên với mô hình homestay từ tháng 4 năm 2022, với số vốn hơn 2 tỷ đồng trên diện tích 6000m, anh Phương đã xây dựng khu lưu trú, nghỉ dưỡng kết hợp nhà hàng, nuôi cá tầm nước lạnh. Du khách khi lưu trú tại homestay sẽ được hưởng đa dạng các dịch vụ như tắm suối, trải nghiệm nương chè đẹp, thưởng thức đặc sản địa phương, hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống…
Theo anh Phương, mô hình sau hơn 1 năm triển khai đã đem lại những tín hiệu tốt, du khách đến ngày càng đông, đặc biệt là những ngày cuối tuần, trung bình một tháng có từ 500 – 600 lượt khách tới trải nghiệm các dịch vụ.
Ông Dương Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: La Bằng là xã nằm về phía Tây - Tây Nam của huyện Đại Từ, cách trung tâm huyện khoảng 10km. Xã có diện tích tự nhiên là 2.236,01 ha, trong đó diện tích chè là 331,29 ha, có 8 dân tộc anh em cùng chung sống, với 1.200 hộ dân được chia thành 9 xóm với dân số trên 4.200 người. Nhân dân chủ yếu làm nghề trồng lúa, trồng chè và chăn nuôi quảng canh.
Xã có 9/9 xóm đều được công nhận Làng nghề chè truyền thống, được cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể chè La Bằng năm 2012. Toàn xã có 03 hợp tác xã chè, 01 nhà máy chè, 03 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè và 03 tổ hợp tác đang làm thủ tục đề nghị công nhận. Là một trong những xã về đích nông thôn mới sớm nhất của huyện và đang phấn đấu là xã Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Vì vậy cơ sở hạ tầng giao thông đặc biệt là các tuyến đường trục chính của xã đã được rải nhựa và bê tông, thuận tiện cho các phương tiện giao thông đi lại và góp phần phát triển du lịch.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng được công nhận đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch cộng đồng phát triển bài bản, gia tăng giá trị kinh tế cho người dân.
Có thể thấy, mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên thời gian qua đã có sức lan tỏa, tạo được sức hút với chính người dân địa phương tham gia làm du lịch. Nếu như năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 2 mô hình du lịch cộng đồng, đến nay, Thái Nguyên đã có trên 30 mô hình du lịch cộng đồng do các hợp tác xã, hộ gia đình làm chủ. Các mô hình này mỗi năm đã thu hút trên đông du khách đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú.
Hoàng Thảo Nguyên