Hơn 500 hộ nghèo và cận nghèo tại Thái Nguyên đủ điều kiện được hỗ trợ xóa nhà tạm

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025, qua rà soát, thống kê, tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 504 nhà tạm, nhà dột nát thuộc hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện pháp lý về đất ở được hỗ trợ. Trong đó, 338 nhà đăng ký thực hiện trong năm 2024, 146 nhà đăng ký thực hiện trong năm 2025, 14 nhà không có khả năng đối ứng và 6 hộ không có nhu cầu hỗ trợ nhà.

1-00688035_20240317175323_20240319090548.jpg
Lãnh đạo huyện Phú Lương và nhà hảo tâm trao tiền hỗ trợ xóa nhà ở tạm cho một hộ dân ở xã Phú Đô. Ảnh:baothainguyen.vn

Tổng kinh phí vận động thực hiện Đề án hiện đạt hơn 22 tỷ đồng. Trong đó, riêng 3 đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB bank)) đã ủng hộ số tiền hơn 14 tỷ đồng. Hiện nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã bố trí đủ kinh phí để xóa 504 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện pháp lý về đất ở với mức hỗ trợ xây mới nhà ở là 50 triệu đồng/nhà và 25 triệu đồng/nhà sửa chữa. Riêng chương trình hỗ trợ 100 nhà Đại đoàn kết do Bộ Quốc phòng vận động tài trợ hỗ trợ 80 triệu đồng/nhà. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng phân bổ kinh phí đợt 1 và đợt 2 cho các huyện, thành phố để hỗ trợ 102 hộ xây dựng nhà mới, 75 hộ sửa chữa nhà ở...

Cùng với Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời rà soát, thống kê chi tiết, chính xác số nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ sửa chữa, xây mới tại các xã, thôn, tổ dân phố. Qua đó, kịp thời cập nhật số liệu các hộ gia đình đã chủ động xây dựng nhà ở hoặc được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, dự án, hoạt động khác. Đồng thời phát hiện một số khó khăn trong thực hiện chương trình như: Số gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát phân tán không tập trung; một số hộ có nhu cầu hỗ trợ nhưng giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất ở chưa đảm bảo, chưa đầy đủ, chưa có sự đồng thuận trong gia đình; một số hộ có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng đối ứng kinh phí để thực hiện việc hỗ trợ; 3 cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì thống kê tại địa phương (Ủy ban MTTQ huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế hạ tầng) chưa thống nhất dẫn đến chậm tiến độ và khó khăn trong việc tổng hợp, phân tích kết quả rà soát...

Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vừa được tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nên cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Các huyện, thành phố khẩn trương rà soát kỹ, thống kê cụ thể, chính xác, chi tiết danh mục nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ trên địa bàn. Ban Chỉ đạo cấp huyện khẩn trương rà soát lại nhu cầu, đảm bảo đúng, đủ, không bỏ sót; lập hồ sơ đối với từng hộ, thống nhất cách làm và hình thức thực hiện. Những hộ chưa đủ điều kiện cần được phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân cụ thể, lập hồ sơ, đồng thời đề xuất giải pháp thực hiện trên cơ sở đảm bảo quy định của pháp luật; phấn đấu đến trước 31/3/2025 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho những hộ đủ điều kiện.

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm