Trung Thần - Làng nghề trồng lan giữ hương rừng

Về xóm Trung Thần, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên sẽ không khỏi bất ngờ bởi nhà nhà đều xanh ngát và tỏa hương thơm từ nhiều loài hoa lan quý của núi rừng. Nơi đây được gọi là làng nghề hoa lan. Nhờ trồng lan mà nhiều người có thu nhập cả chục tỷ đồng mỗi năm.

Làng lan 5.jfif
Xóm Trung Thần hiện lên sinh động với những ngôi nhà được phủ kín bởi màu xanh của hoa lan rừng. Ảnh: Hương Hiền.

Nằm cách trung tâm huyện Đồng Hỷ hơn 10 km, xóm Trung Thần, xã Hóa Trung hiện ra với những ngôi nhà được phủ kín bởi màu xanh của hoa lan rừng các loại. Các hộ gia đình ở đây hầu hết đều đầu tư những giàn lớn trồng lan rừng khá công phu. Trước đây người dân ở Trung Thần hay đi rừng kiếm củi, rồi thấy lan rừng đẹp, lại tỏa hương thơm ngát, nên mang về nhà để trồng trang trí không gian sống. Một số người dân nơi khác đến chơi, thấy lan đẹp hỏi mua, từ đó bà con nhận thấy giá trị kinh tế của cây lan rừng nên bảo nhau tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng, nhân giống và bảo tồn các giống lan rừng, đặc biệt là các giống quý.

Làng lan 1.jfif
Các hộ gia đình ở đây hầu hết đều đầu tư những giàn lớn trồng lan rừng khá công phu. Ảnh: Hương Hiền

Ông Trương Văn Tuấn, Trưởng xóm Trung Thần cho biết: Nghề trồng lan ở Trung Thần xuất hiện gần 40 năm nay, do một số cá nhân sưu tầm giống hoa lan mọc ở trên núi đem về trồng tại vườn nhà. Thấy cây lan phù hợp với khí hậu địa phương và sinh trưởng, phát triển tốt, hoa nở đẹp, đa dạng màu sắc với thời gian nở hoa lâu, người dân đã dần dần nhân giống. Theo thời gian, ngày càng có thêm nhiều hộ dân ở Trung Thần trồng hoa lan để phát triển kinh tế. Xóm có 181 hộ dân thì có tới 110 hộ dân trồng lan, nhà ít cũng có vài chục giỏ, nhà nhiều lên tới hàng trăm, hàng nghìn giỏ lan. Từ một xóm nghèo, bà con ngoài làm nông chỉ biết lên rừng hái măng, kiếm củi thì nay đã có nhiều hộ làm giàu từ nghề trồng lan.

Làng lan 2.jfif
Anh Trương Văn Quang hộ trồng lan người dân tộc Sán Dìu xóm Trung Thần. Ảnh: Hương Hiền

Anh Trương Văn Quang, người dân tộc Sán Dìu ở xóm Trung Thần cho biết: Lan là loài sống phụ sinh, lấy giá thể là trụ đỡ và giữ ẩm cho bộ rễ, không tốn đất canh tác nhưng đây cũng là loài cây đòi hỏi sự chăm sóc rất cẩn thận, khéo léo và tỉ mỉ, đặc biệt là 2 yếu tố về ánh sáng và độ ẩm. Gia đình tôi cũng đã đầu tư gần 100 triệu đồng lắp đặt giàn khung 3 tầng treo giò lan và hệ thống phun tưới tiết kiệm để chăm sóc lan. Trong hơn 100 m2 diện tích sân vườn, nhà tôi có gần nghìn giò lan các loại, chủ yếu là lan rừng. Hàng tháng thương lái nhiều nơi vẫn đều đặn về tận vườn xem và mua hàng nhờ đó gia đình tôi thu nhập ổn định trung bình mỗi tháng lãi 10-20 triệu đồng từ bán hoa lan…

Làng lan 4.jfif
Lan là loài sống phụ sinh, lấy giá thể là trụ đỡ và giữ ẩm cho bộ rễ, phải trồng róc nước tránh ngập úng, không tốn đất canh tác. Ảnh: Hương Hiền.

Không chỉ biết cách chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh hại cho lan rừng, người trồng lan ở Trung Thần còn đúc rút được nhiều kinh nghiệm trồng lan rừng, chăm sóc lan rừng hay. Anh Trương Văn Quang chia sẻ thêm là một số loài lan như lan Hài rất dễ chết vì úng nước nên phải trồng trên đá phong thủy để giúp cho chậu trồng hoa lan róc nước. Đặc biệt, hoa lan rừng cũng thường gặp khá nhiều loại sâu, bệnh hại. Nhất là vào mùa mưa, lan rừng thường bị bệnh nấm, ruồi vàng nên người trồng phải theo dõi, phun thuốc phòng, trừ kịp thời, tránh lây sang các giò lan khác. Hoa lan rừng càng được chăm sóc tốt thì càng đẹp. Giá trị của mỗi giò lan rừng phụ thuộc vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của loài hoa. Những giò lan đặc biệt được ghép trên các thân nghiến mục tạo thành những tác phẩm độc đáo có thể có giá lên tới hàng chục triệu đồng.

Làng lan 3.jfif
Người dân làng nghề trồng lan không chỉ nâng cao thu nhập mà còn góp phần nhân giống và bảo tồn các giống lan quý hiếm. Ảnh: Hương Hiền

Từ trồng lan, người dân không chỉ nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo tồn các giống lan quý hiếm, trong đó có không ít giống hoa lan đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hoa lan ở xóm Trung Thần đa dạng chủng loại gồm: Chồn, Quế Thủy Tiên, Sơn Thủy Tiên, Phi Điệp, Kiếm,… Đặc biệt, nhiều loại lan rừng quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng như Lan Hài, Hoàng Lan, Dã Hạc,… được người dân làng nghề nhân giống thành công. Giá của mỗi giò hoa lan tùy thuộc vào chủng loại và hình dáng, dao động từ vài trăm nghìn đến đến cả chục triệu đồng, thậm chí cao hơn.

Trưởng xóm Trương Văn Tuấn chia sẻ: Thời gian tới chúng tôi sẽ vận động bà con thành lập tổ hợp tác, Hợp tác xã trồng, chăm sóc hoa lan để tạo môi trường chuyên nghiệp cho các hộ dân làm nghề. Bên cạnh đó, xóm cũng đề xuất ngành chức năng có thêm các chương trình hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở nuôi cấy mô lai tạo giống lan; tập huấn kiến thức nâng cao tay nghề cho bà con. Đồng thời, tăng cường các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm xây dựng, quảng bá thương hiệu hoa lan của làng nghề phát triển hơn nữa.

Hương Hiền

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm