Chiều 19/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên tổ chức Tọa đàm truyền thông mô hình khuyến nông cộng đồng. Dự tọa đàm có ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hơn 100 khuyến nông viên tiêu biểu của tỉnh Điện Biên; đại diện 5 Trung tâm khuyến nông cộng đồng thuộc 5 tỉnh miền núi phía Bắc: Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ và Điện Biên.
Tọa đàm nhằm đánh giá kết quả sau hai năm thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, từ đó đề xuất định hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Qua hai năm thực hiện, toàn quốc đã có 57 tỉnh, thành phố thành lập được gần 5.200 tổ khuyến nông cộng đồng với hơn 47.000 thành viên. Thành viên tham gia tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu là lãnh đạo, cán bộ xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương, đại diện hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Kết quả sau 2 năm triển khai, Đề án khuyến nông cộng đồng đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 56 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng với gần 1.300 học viên tham gia; đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 2.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng về các kiến thức, kỹ năng: kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, phát triển thị trường, chuyển đổi số… Các tổ khuyến nông cộng đồng tại 5 vùng nguyên liệu lớn của cả nước đã tư vấn, hỗ trợ cho khoảng 50 hợp tác xã với tổng diện tích gần 10.000 ha trong việc lồng ghép các chương trình, dự án khuyến nông. Từ đó, các hợp tác xã tăng cường phát triển, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, giúp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt tiêu chuẩn.
Đặc biệt, việc thực hiện đề án còn góp phần tăng cường sự kết hợp giữa các doanh nghiệp và nông dân trong đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Từ đó giúp người dân chủ động hơn trong vấn đề sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận, có định hướng thị trường. Do đó, có thể khẳng định đây sẽ là lực lượng nòng cốt để tiếp tục chuyển giao những khoa học kỹ thuật mới nhất, đưa đến cung cấp cho người dân những thông tin cập nhật nhất… Ông Lê Quốc Thanh cũng đề nghị, các Tổ khuyến nông cộng đồng phải biết lắng nghe nông dân cần những gì, mong muốn những gì; khuyến nông cộng đồng cần chia sẻ với nông dân trong hỗ trợ khoa học kỹ thuật, làm cầu nối liên kết trong sản xuất, mở rộng thị trường.
Qua 2 năm triển khai, khuyến nông cộng đồng đã khẳng định vai trò, nhiệm vụ của hệ thống khuyến nông trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thể hiện rõ vai trò hỗ trợ cho người nông dân. Đặc biệt, làm thay đổi tư duy, nhận thức, củng cố lại hệ thống khuyến nông trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy và biên chế khuyến nông; đổi mới, đa dạng hóa chức năng, hoạt động của khuyến nông cơ sở; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tri thức hóa nông dân, người dân được tham gia liên kết sản xuất theo hợp đồng với các doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường…
Tại buổi tọa đàm, chị Lò Thanh Bình, Tổ trưởng tổ Khuyến nông cộng đồng huyện Thuận Châu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La cho biết: “Trong giai đoạn thực hiện, chúng tôi đã giúp liên kết, tiêu thụ cho người nông dân hơn 100 tấn nông sản như: dứa, na và nhiều loại nông sản khác. Khi người dân sản xuất ra sản phẩm, chúng tôi sẽ giúp quảng bá các sản phẩm bằng cách tiếp cận các hội chợ thương mại, các hội nghị để người dân có thể quảng bá sản phẩm của hợp tác xã mình làm ra.".
Tại buổi tọa đàm, Ban Tổ chức cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu tham luận, hỏi đáp và chia sẻ những cách làm hay cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của mô hình khuyến nông cộng đồng.
Kết luận buổi tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc nhấn mạnh, về mô hình tổ chức, Trung tâm Khuyến nông quốc gia chỉ đưa ra gợi ý, nguyên tắc chứ chưa có mô hình cụ thể nào, bởi mỗi địa phương có một đặc thù riêng nên cần sự tổ chức linh hoạt, phù hợp. Tuy nhiên, cần đảm bảo khuyến nông cộng đồng phải là nòng cốt, phải có trụ sở làm việc, có cơ sở vật chất. Cần tạo dựng mối liên kết, đó là doanh nghiệp đầu ra và doanh nghiệp đầu vào. Cần mời lực lượng già làng, trưởng bản, người có uy tín, có năng lực, kiến thức tham gia khuyến nông cộng đồng trong công tác chia sẻ, dân vận với bà con…
Trung Kiên