Theo Giám đốc Chi nhánh Thủy nông Cai Lậy – Cái Bè (Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang) Trần Minh Hữu, trong các ngày qua, qua kiểm tra nguồn nước trên hệ thống sông Ba Rày và kênh Nguyễn Văn Tiếp thuộc địa bàn huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy phía Tây tỉnh, đơn vị đã ghi nhận xuất hiện độ mặn dao động trong khoảng 0,17 gr/lít đến 0,4gr/lít tùy điểm đo.
Cụ thể, trong sáng ngày 1/6, tại ngã ba Kênh Ngang và kênh Bà Bèo (xã Mỹ Hạnh Trung, thị xã Cai Lậy) độ mặn đo được 0,27 gr/lít; tại ngã tư Kênh 12 và kênh Hai Hạt (xã Phú Cường, huyện Cai Lậy) độ mặn đo được là 0,31 gr/lít; tại ngã tư kênh Bà Kỳ và kênh Bang Chón độ mặn đo được 0,22 gr/lít; tại kênh Ông Mười (phường Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy) độ mặn đo được 0,22 gr/l…
Theo đánh giá, nguyên nhân bước đầu do rò rỉ mặn từ hệ thống sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An) phía Bắc tỉnh Tiền Giang xâm nhập sang. Tiền Giang đề ra nhiều giải pháp khẩn trương khắc phục xâm nhập mặn, bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, trong đó có gần 22.000 ha vườn sầu riêng giá trị kinh tế cao tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh : Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, đây vốn là cây trồng mẫn cảm với độ mặn trong nước. Tưới nước độ mặn cao sẽ bị chết, thiệt hại rất lớn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn đã có Công văn số 2262/SNN&PTNT-CCT, ngày 31 tháng 5 năm 2024 gởi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang và các địa phương liên quan nhấn mạnh việc phối hợp vận hành công trình thủy lợi xổ xã mặn ra sông.
Trong số đó, phối hợp giữa tinh Tiền Giang và tỉnh Long An kiểm tra, rà soát các cống ngăn mặn phía Bắc thuộc tình Long An nhằm khắc phục các điểm rò rỉ mặn đồng thời vận hành xổ xã mặn trong nội đồng ra sông. Mặt khác, tuyên truyền, thông tin để người dân biết, kịp thời khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ giải pháp phòng, chống mặn, bảo vệ vườn cây cũng như sản xuất và đời sống, giảm nhẹ thiên tai, nhất là phải thường xuyên kiểm tra độ mặn trước khi sử dụng tưới cho cây trồng.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy Đoàn Bảo Ngoan cũng đã có Công văn số 811/UBND-KT ngày 31 tháng 5 năm 2024 gởi các địa phương và ngành hữu quan khuyến cáo việc sử dụng nước mặt cho sản xuất trên địa bàn thị xã Cai Lậy, đặc biệt là tưới tiêu cho trên 6.000 ha sầu riêng chuyên canh.
Lãnh đạo thị xã Cai Lậy yêu cầu các phường, xã tuyên truyền, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở thông báo diễn biến xâm nhập mặn, độ mặn trên sông rộng rãi cho nhân dân; Chú trọng cập nhật diễn biến mặn để cân nhắc trước khi tưới cho cây trồng; Nông dân chỉ tưới khi độ mặn dưới 0,2 gr/lít.
Đồng thời, bà con áp dụng đồng bộ các biện pháp chăm sóc cây trồng phù hợp trong mùa khô hạn đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tập huấn như tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoặc trung vi lượng tăng khả năng chống chịu của cây trồng; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ cao thâm canh cây trồng, dùng rơm rạ tủ gốc cây giữ ẩm cũng như chủ động trữ nước ngọt trong ao mương vườn, tiết kiệm nguồn nước, giữ vệ sinh nguồn nước, phòng, tránh ô nhiễm….
Trước đó, để ứng phó hạn mặn diễn biến phức tạp trong mùa khô 2023 – 2024, Tiền Giang đã đầu tư trên 1.380 tỷ đồng triển khai hai Dự án thủy lợi trọng điểm phía Tây: Dự án Đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tình 864 kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền và Dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành thông ra sông Tiền.
Trong mùa khô 2023 – 2024, mặn từ hướng sông Tiền được kiểm soát, ngăn chận nhờ các công trình thủy lợi đầu mối kể trên đưa vào vận hành đã phát huy hiệu quả, giúp tỉnh bảo vệ an toàn các vùng sản xuất trọng điểm, nhất là vùng chuyên canh sầu riêng ở các huyện, thị phía Tây, nông dân rất phấn khởi.
Minh Trí