Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh có 73 tổ khuyến nông cộng đồng, với 614 thành viên tham gia; trong đó, có 2 tổ khuyến nông cấp tỉnh và 71 tổ khuyến nông cấp xã. Các tổ khuyến nông cộng đồng đã thực hiện nhiều hoạt động khuyến nông như tuyên truyền, hướng dẫn trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp với nông dân để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, giúp nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp.
Tổ khuyến nông cộng đồng xã Hà Mòn là một trong hai tổ khuyến nông cộng đồng cấp tỉnh của Kon Tum. Nhiệm vụ của tổ là thực hiện khuyến nông cây trồng chủ lực là cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà. Ông Đới Văn Cương, Tổ trưởng Tổ khuyến nông cộng đồng xã Hà Mòn cho biết, tổ có 6 thành viên, gồm các cán bộ khuyến nông tỉnh, cán bộ khuyến nông huyện, các hộ nông dân và giám đốc các hợp tác xã trong vùng sản xuất cà phê huyện Đăk Hà.
Sau 2 năm, hoạt động của tổ đã có những kết quả, tiêu biểu là việc tổ đã kết nối được Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền để trồng cà phê thông minh trên địa bàn hai huyện Đăk Hà và Đăk Tô.
Tổ khuyến nông cộng đồng cũng hỗ trợ cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp mở rộng gần 600 ha cà phê đạt tiêu chuẩn 4C của 460 hộ dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2023; tiếp tục hỗ trợ mở rộng trong năm 2024. Ngoài ra, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cũng được tổ hỗ trợ ký kết thỏa thuận hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ cà phê 4C với 840 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tổ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, các đơn vị chuyển giao công nghệ tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân trên địa bàn. Trong năm 2022, tổ chức được 22 lớp tập huấn cho 840 lượt hộ nông dân tham gia, với nội dung tập huấn chủ yếu là hướng dẫn cho bà con canh tác cà phê đạt chuẩn 4C, tập huấn về chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Văn Thụ, thôn Bình Minh, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà cho biết, gia đình ông có 1,5 ha cà phê nhận hỗ trợ từ tổ khuyến nông cộng đồng. Từ năm 2024 đến nay, tổ khuyến nông đã kết nối và hỗ trợ được hơn 2 tấn phân bón Bình Điền, ngoài ra tổ hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, bẻ chồi, bẻ cành để cây phát triển tốt cũng như cho năng suất, chất lượng quả vượt trội.
“Tôi làm cà phê cũng lâu nhưng những kỹ thuật chăm sóc cây cà phê không thể bằng các kỹ sư từ tổ khuyến nông. Nếu thực hiện đúng theo hướng dẫn thì cà phê rất tốt. Năm trước tôi được 20 tấn cà phê tươi từ 1,5 ha. Khi áp dụng kỹ thuật từ tổ khuyến nông, cùng với được hỗ trợ phân bón, cà phê xanh tốt hơn, quả to hơn, nếu không gặp thiên tai đột xuất thì vụ tới đây chắc chắn sẽ thắng lợi, năng suất tăng khoảng 20%”, ông Phạm Văn Thụ phấn khởi.
Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung đánh giá, việc thành lập các tổ khuyến nông trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh hàng hóa nông nghiệp và biến đổi khí hậu như hiện nay là rất cần thiết. Các tổ khuyến nông thực hiện vai trò về kỹ thuật, quản lý, kết nối, dẫn dắt sản xuất nông nghiệp theo một định hướng cụ thể để xây dựng thương hiệu, chất lượng. Nếu thực hiện theo đúng những kỹ thuật của tổ khuyến nông cộng đồng hướng dẫn, sản lượng nông sản; trong đó có cà phê sẽ tăng khoảng 40%, thậm chí còn cao hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc giá trị thặng dư mang lại cho nông dân cũng sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, ông Sáu cho rằng, hiện nay, hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Bằng chứng là các diện tích mang lại hiệu quả thực chất về năng suất, chất lượng từ hoạt động của các tổ khuyến nông vẫn còn khá khiêm tốn. Các tổ khuyến nông cần chủ động và cụ thể trong phương thức hoạt động, thực tiễn; nhân sự tham gia các tổ khuyến nông cần phải thực sự tâm huyết, hướng dẫn từ thực tiễn chứ không phải lý thuyết; dẫn dắt người nông dân một cách dài hơi chứ không chỉ là thời vụ, không chỉ là những hội thảo đầu bờ.
Theo bà Y Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, sau 2 năm tham gia chương trình khuyến nông cộng đồng, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 73 tổ khuyến nông cộng đồng, với 614 thành viên tham gia. Tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất, là cầu nối kết nối doanh nghiệp với các hợp tác xã và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; giúp kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp.
Việc thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng đã phát huy được vai trò ở cơ sở như tham gia truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nông nghiệp, nông thôn vào cuộc sống. Bên cạnh đó, hỗ trợ tư vấn công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và hướng dẫn tổ chức sản xuất theo chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế; hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất; mở rộng ra các chuỗi liên kết về sản xuất cây cà phê trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất chất lượng và hiệu quả sản phẩm.
Các tổ khuyến nông cộng đồng cũng hỗ trợ phát triển trong các hợp tác xã và tổ hợp tác trong việc xây dựng nông thôn mới; từ đó đã có sự chuyển đổi về trình độ sản xuất nông nghiệp cũng như hình thành được các chuỗi liên kết để bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân. Qua đó, giúp tăng diện tích cây chủ lực của tỉnh, tích hợp đa giá trị cũng như sản xuất bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh Kon Tum, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động cho hai Tổ khuyến nông cộng đồng cấp tỉnh phát triển vùng nguyên liệu, đồng thời nhân rộng để phát triển vùng nguyên liệu cà phê, cây ăn quả, dược liệu đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng, ổn định sản lượng đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”, bà Y Hằng chia sẻ.
Dư Toán