Nâng cao giá trị hàng nông sản từ các tổ khuyến nông cộng đồng ở Gia Lai

Nông dân huyện Mang Yang thu hoạch chanh leo (chanh dây). Ảnh: gialai.gov.vn
Nông dân huyện Mang Yang thu hoạch chanh leo (chanh dây). Ảnh: gialai.gov.vn

Tây Nguyên nói chung, Gia Lai được mệnh danh là thủ phủ của các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, việc thị trường luôn biến động đã khiến nông dân sản xuất ra các mặt hàng nông sản lao đao. Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, ổn định bền vững diện tích cây trồng, giữ vững thị trường là bài toán khó cho ngành nông nghiệp Gia Lai hiện nay.

Nâng cao giá trị hàng nông sản từ các tổ khuyến nông cộng đồng ở Gia Lai ảnh 1Nông dân huyện Mang Yang thu hoạch chanh leo (chanh dây). Ảnh: gialai.gov.vn

Liên kết “3 nhà”

Khi thị trường hàng nông sản thiếu sự ổn định, “mạnh ai nấy làm” đã và đang khiến nông dân Tây Nguyên vất vả tìm hướng đi cho các loại cây trồng chủ lực để tồn tại. Đã có những hệ lụy vì sự nóng vội, chạy theo giá cả thị trường, thiếu sự liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học khiến nhiều loại cây trồng được xem là “cây vàng” như cây hồ tiêu, cao su, điều, bơ, sầu riêng… trở thành gánh nặng cho người nông dân. Trước thực tế đó, nhiều mô hình khuyến nông công động; trong đó, phát huy vai trò của “3 nhà” đã dần vực dậy giá trị các mặt hàng nông sản.

Để người dân trồng cà phê có nơi tiêu thụ sản phẩm, người trồng cà phê và doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ cà phê đã tìm đến với nhau hình thành nên chuỗi sản xuất cà phê bền vững, giá trị cao. Nhận thấy tầm quan trọng của các tổ liên kết trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn, trong nhiều năm qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp Gia Lai đã mạnh dạn xây dựng các mô hình trồng cà phê hữu cơ “kiểu mẫu” cho các tổ khuyến nông cộng đồng.

Từ đó tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất, phát triển cà phê bền vững. Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp chia sẻ, hiện nay diện tích cà phê của Việt Nam chiếm 650.000 ha, nhưng diện tích trồng theo phương thức cà phê hữu cơ đang chiếm tỷ lệ rất thấp nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao.

Vì thế cần phải thay đổi nhận thức để chuyển sang các mô hình trồng cà phê theo hướng hữu cơ. Để xây dựng được các mô hình vườn cà phê hữu cơ, tạo nguồn nguyên liệu sạch từ đầu thì cần có thời gian và nhân lực. Vì thế, khuyến nông cộng đồng có vai trò rất lớn trong tiến trình phát triển cà phê.

Bên cạnh cây cà phê, chanh leo (chanh dây) cũng được xem là mặt hàng “triệu đô”. Tuy nhiên, để đứng vững và sống được với cây chanh leo không phải ai cũng làm được. Việc thiếu kiến thức, kinh nghiệm và phương pháp trồng cây chanh leo khiến người nông dân rơi vào vòng xoáy “được mùa mất giá và ngược lại”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Viện Bảo vệ thực vật đánh giá, cây chanh leo hiện nay là một cây trồng thế mạnh, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện việc trồng, chăm sóc chanh leo đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với cây chanh leo, Viện Bảo vệ thực vật đã xác định được đến tận 6 loại bệnh vi rút gây hại, vì thế nhiều bà con đã gặp rất nhiều rủi ro sau khi chuyển đổi diện tích cây trồng khác sang trồng chanh leo. Nhiều nhà vườn đã rơi vào cảnh trồng chanh leo nhưng không có thu, hoặc thu nhưng các đơn vị thu mua nguyên liệu lại mua với giá rất thấp do không đạt chất lượng, yêu cầu.

Ông Phạm Tuấn Bình, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai là một trong số đó. Khi thấy cây chanh leo có giá trị kinh tế cao, gia đình ông đã tiến hành chuyển đổi toàn bộ diện tích hơn 2 ha hoa màu sang trồng chanh leo. Tuy nhiên, việc trồng tự phát theo nhu cầu thị trường, không có kiến thức về cây chanh leo khiến gia đình ông gặp khó. Trên diện tích 2 ha, mỗi mùa chanh leo đi qua, gia đình ông Bình chỉ thu về đủ tiền công và vật tư.

Quyết không chịu thua, ông Bình đã tìm đến các đơn vị chuyên trồng chanh leo, tham gia Dự án khuyến nông về Xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên chanh leo gắn với tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên với sự phối hợp của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods. Từ đây, cây chanh leo đã thực sự là cây “triệu đô”. Ông Bình cho biết, từ khi liên kết với bên Viện khoa học Nông nghiệp và bên Nafoods, gia đình đã được hỗ trợ về kỹ thuật, phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách chọn giống chanh leo. Khi thực hiện trồng chanh leo bài bản, khoa học thì cây phát triển ổn định, khỏe mạnh, ít sâu bệnh và trái ra đều hơn.

Để nâng cao giá trị mặt hàng nông sản

Gia Lai là tỉnh có tiềm năng rất lớn trong xuất khẩu nông sản với hơn 97.000 ha cà phê, sản lượng hơn 250.000 tấn/năm; 13.000 ha hồ tiêu, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm; gần 80.000 ha cao su với sản lượng mủ khô hơn 117.000 tấn/năm; 78.000 ha sắn, sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn/năm và khoảng 18.000 ha trái cây các loại... Việc hình thành các tổ khuyến nông cộng đồng không chỉ xây dựng các chuỗi sản xuất bền vững mà còn nâng tầm giá trị cho mặt hàng nông sản.

Nhạy bén với thị trường cũng như lựa chọn dòng sản phẩm hữu cơ sạch để xâm nhập vào các thị trường cà phê “khó tính”, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp đã khẳng định được vai trò là đơn vị tiên phong trong công cuộc phát triển cà phê hưu cơ ở Gia Lai. Những vườn cây cà phê hữu cơ “kiểu mẫu” được quy hoạch bài bản hội tụ nhiều yếu tố “sạch” như cách xa các khu sản xuất của người dân, vườn cây được bao bọc bởi hệ thống cây xanh, xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt có kiểm soát đầu vào của nguồn nước… đã tạo ra được nguồn nguyên liệu đảm bảo. Từ đó, tạo ra các sản phẩm cà phê xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp cho rằng, trong xu thế mới, người tiêu dùng sẽ tìm đến các sản phẩm hưu cơ nhiều hơn bởi nó có lợi cho sức khỏe. Vì thế, người nông dân phải tự thay đổi phương thức trồng và chăm sóc không chỉ đối với loại cây trồng cà phê mà còn ở nhiều loại cây khác nữa; phải tập trung xây dựng được từng vùng sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững, nền nông nghiệp xanh. Từ đó, hình thành các tổ hợp tác, tổ khuyến nông công đồng để cùng liên kết với doanh nghiệp, nhà nước. Nhờ đó, sản phẩm được tiêu thụ ổn định, chất lượng hàng hóa sẽ tăng cao.

Minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả của việc “liên kết 3 nhà” trong vấn đề nâng tầm giá trị hàng nông sản qua mức thu nhập của ông Phạm Tuấn Bình- xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Trên diện tích 2 ha chanh leo gia đình ông chuyển đổi, trồng theo kinh nghiệp ông có. Qua mỗi vụ, gia đình ông Bình chỉ thu về khoảng 200 triệu/ha. Thế nhưng, từ khi tham gia vào chuỗi liên kết của Dự án khuyến nông về Xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên chanh leo gắn với tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên với sự phối hợp của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods, cũng trên diện tích đó, gia đình ông Bình đã có nguồn thu trên 2 tỷ đồng/vụ.

“So với trồng tự phát, không có sự hướng dẫn của cán bộ thì có khác biệt rõ rệt. Cây chanh ít sâu bệnh, ra trái nhiều hơn. Trước đây trồng tự phát, tôi đầu tư 40 triệu đồng nhưng chỉ thu về được chừng 50 triệu đồng. Nhưng bây giờ có kỹ thuật, có đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm thì trên diện tích đó đã có nguồn thu gấp nhiều lần so với trước", ông Bình cho biết.

Với những hướng đi đúng đắn, mô hình phù hợp đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai trong 9 tháng năm 2022 ước tính 545 triệu USD, đạt 82,58% kế hoạch, tăng 21,11% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, trái cây có mức tăng khá mạnh. Riêng mặt hàng cà phê đã chiếm gần 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với sản lượng đạt 203 ngn tấn, tương ứng kim ngạch 406 triệu USD (tăng 7,4% về lượng và 30% về giá trị).

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm