Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) với việc hỗ trợ chuyển đổi nghề đã và đang từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng có thêm điều kiện phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Huyện Châu Thành là một trong những địa bàn tập trung đông đồng bào Khmer, chiếm khoảng hơn 50% dân số. 9 tháng đầu năm 2024, tại xã Thuận Hòa, chương trình đã hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho trên 40 hộ, trong đó 9 hộ được hỗ trợ mua máy phun thuốc và máy cắt cỏ. Tại xã Tuân Tức, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, chính quyền địa phương đã chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ như chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ nhà ở và đất ở, giúp bà con phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân được hưởng lợi từ các khoản vay ưu đãi để đầu tư trồng màu, xây dựng hệ thống tưới tiêu, chăn nuôi bò... Các hộ dân ở xã An Hiệp được hỗ trợ mua máy phun thuốc bảo vệ thực vật và nhiều dụng cụ sản xuất khác.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Kim Hưng ở ấp Trà Canh A2, xã Thuận Hòa, một trong số ít những hộ hiện đang sản xuất mô hình ghe Ngo mini. Ông Kim Hưng chia sẻ, cơ sở sản xuất của gia đình vẫn duy trì được nghề, cung cấp sản phẩm phục vụ nhu cầu trang trí ban thờ, nhà cửa của đồng bào và làm quà tặng cho khách du lịch. “Tất cả các công đoạn làm ghe Ngo mini đều được thực hiện thủ công nên phải mất từ 3 - 4 ngày mới hoàn thiện được 1 sản phẩm. Với giá bán trung bình 700 ngàn đồng/ghe Ngo mini, mang lại thu nhập tương đối ổn định cho gia đình” - ông Kim Hưng chia sẻ thêm.
Rời huyện Châu Thành, chúng tôi đến huyện Mỹ Xuyên, thăm hộ gia đình ông Trần Đồng - hộ gia đình có trên 20 năm nuôi bò ở ấp Cần Giờ 2, xã Tham Đôn. Ông Trần Đồng chia sẻ, bằng công nghệ vắt sữa bằng máy, mỗi ngày gia đình khai thác được từ 20 – 30 kg sữa/2 con bò; với giá bán khoảng 15 ngàn/kg, gia đình có thu nhập ổn định từ 450 - 500 ngàn đồng/ngày.
Anh Tăng Thanh Chí, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên cho biết, ngoài nuôi bò, người dân Khmer trên địa bàn còn phát triển trồng màu, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, trong đó có thể kể đến vùng trồng màu ở các xã Tham Đôn, Thạnh Quý, Thạnh Tới, Đại Tâm.
Ông Lâm Hoàng Mẫu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đang có những đổi thay tích cực trong việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 4.607 hộ dân được hỗ trợ, 67 mô hình phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, hàng trăm hộ gia đình đã cải thiện được thu nhập và từng bước thoát khỏi nghèo đói.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện Dự án “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”, ngân sách đã giao trên 63 tỷ đồng, nay đã giải ngân hơn 27 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào tạo sinh kế, phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao…
Thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, cùng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm thoát nghèo của đồng bào đã giúp kinh tế vùng đồng bào DTTS tỉnh Sóc Trăng ngày một phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, miền núi.
Thu Hương