Nằm cuối lưu vực sông Hậu, Sóc Trăng là địa phương có vùng biển rộng 30.000 km, chiều dài bờ biển 72 km, với 3 cửa sông lớn là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh. Đây là lợi thế không chỉ vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh mà còn nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Những năm vừa qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển tăng khá nhanh, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển mở rộng đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
Phát huy những lợi thế, tiềm năng về vị trí, nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, tỉnh Sóc Trăng đã và đang tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh tế biển, tỉnh Sóc Trăng cũng đã triển khai các giải pháp nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường khu vực ven biển hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Vùng ven biển nhiều tiềm năng, lợi thế
Sau hai năm, chúng tôi có dịp quay trở lại Trần Đề, một huyện có lợi thế 12km bờ biển của tỉnh Sóc Trăng để cảm nhận một luồng gió mới, tươi mát và ấm no hơn. Những năm trước, kinh tế của Trần Đề chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng hiện nhiều cánh đồng bị bỏ hoang do đất nhiễm mặn. Từ khi có hệ thống đê biển, đê sông, các dự án thủy lợi, dự án đê bao khép kín phát huy tác dụng, kết hợp với việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, những vùng đất nhiễm mặn bỏ hoang trước đây nay được cải tạo thành đầm nuôi tôm diện tích lớn, thành cánh đồng canh tác lúa đặc sản, lúa chất lượng cao…, giúp cho kinh tế của huyện ngày một khởi sắc.
Xác định kinh tế biển là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển luôn được UBND huyện quan tâm đầu tư, xây dựng. Có thể kể đến cảng cá Trần Đề, khu thương mại kinh tế biển Trần Đề, bến cá Mỏ Ó,… đã giúp cửa biển Trần Đề trở thành điểm tập kết sầm uất của nhiều ghe tàu đánh bắt, khai thác thủy sản trong vùng và các tỉnh lân cận.
Được xây dựng từ năm 2000 với tổng diện tích 16ha, cảng cá Trần Đề là một trong 10 cảng cá thuộc dự án "Nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá Việt Nam", là cơ sở hậu cần nghề cá quan trọng tại Sóc Trăng, phục vụ đánh bắt xa bờ, khai thác tiềm năng nghề biển.
Thoăn thoắt ghi chép, kiểm tra các công đoạn sắp xếp, vận chuyển cá, không quên thúc đốc giục người lao động, chủ cơ sở thu mua Lê Thị Lệ vẫn nhiệt tình chia sẻ với chúng tôi về hoạt động của cơ sở trong thời gian qua. Đã 2 năm làm dịch vụ hậu cần ở Cảng cá Trần Đề, cơ sở của chị Lệ hiện có khoảng 30 lao động, đa số là lao động nữ người Khmer, với công việc ổn định, mang lại nguồn thu nhập trung bình từ 300 nghìn/người/ngày. Cơ sở hiện chuyên thu mua các loại cá như đù, chỉ vàng, mực, khoảng 70-80 tấn mỗi lần ghe cập cảng, đáp ứng nhu cầu sỉ và lẻ của người dân trong và ngoài tỉnh.
Cũng nằm trong khu vực cảng cá, Chi nhánh Công ty TNHH thực phẩm Duy Quốc lại chuyên cắt đầu cá và sơ chế, làm sạch cá phục vụ cho việc làm khô. Theo chị Cao Thị Hồng Cẩm, trưởng chi nhánh, với 60 nhân công, trung bình 1 ngày chi nhánh sơ chế khoảng 600-700kg cá các loại: cá bò, đuối, mai... mang lại thu nhập ổn định từ 200-300 ngàn/người/ngày.
Theo ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề thì toàn tỉnh hiện có trên 800 tàu cá, trong đó hơn 350 tàu đánh bắt xa bờ, 42 tàu dịch vụ hậu cần, công tác khai thác vận hành cảng cá, bến cá được thực hiện 24/24 giờ, đáp ứng mọi nhu cầu cho tàu thuyền ngư dân.
Thời gian qua, 24 doanh nghiệp sơ chế và chế biến thủy, hải sản và 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá trong khu vực cảng đã duy trì hoạt động ổn định, tạo việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương, đặc biệt là lao động người dân tộc, tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh, góp phần thu hút tàu từ các tỉnh lân cận, kích thích hoạt động dịch vụ tại cảng cá ngày một phát triển.
Năm 2024, tổng số tàu thuyền cập, lưu cảng ước đạt 20.2 ngàn lượt, tăng 3,6% so cùng kỳ; trong đó số tàu khai thác lên cá tại cảng đạt 2.062 tàu, lưu lượng hàng hóa qua cảng Trần Đề là 114 ngàn tấn, đạt 97% kế hoạch, trong đó hàng thủy sản 56 ngàn tấn. Dự kiến năm 2025, cảng cá sẽ đón hơn 20 ngàn lượt tàu thuyền cập và lưu, lượng hàng hóa qua cảng đạt 163 ngàn tấn, xe các loại vào cảng đạt 29 ngàn lượt.
Trần Đề hiện là địa phương dẫn đầu về lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Chủ tịch UBND huyện Trần Đề Nguyễn Trọng Sơn cho biết, tính đến tháng 9/2024, diện tích thả nuôi thủy sản của huyện hơn 5,7 ngàn ha, đạt 107% kế hoạch, diện tích thu hoạch 2.78 ngàn ha, tổng sản lượng nuôi trồng 25.7 ngàn tấn, đạt 62,11%, sản lượng khai thác thủy hải sản 51.1 ngàn tấn tôm cá các loại, đạt 100,39% so kế hoạch. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản 76.9 ngàn tấn, đạt 83,22% kế hoạch.
Trung tâm kinh tế tiểu vùng ven biển Đông
Cùng với nghề biển, cảng cá, những năm gần đây, bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo đi vào hoạt động đã tạo thêm cơ hội cho du lịch và các dịch vụ đi kèm. Theo anh Vũ Đình Trường, Đại phó tàu Superdong Côn Đảo 1 thì hiện mỗi ngày, có 2 chuyến tàu đi Trần Đề - Côn Đảo và ngược lại, lượng khách trung bình 170-180 người/chuyến, đáp ứng nhu cầu du lịch tham quan, vận chuyển hàng hóa thường xuyên của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt vào những đợt cao điểm lễ tết.
Theo UBND thị trấn Trần Đề, từ khi huyện có chủ trương kêu gọi đầu tư bến tàu cao tốc, phát triển du lịch đã giúp mọi người biết đến Trần Đề nhiều hơn, việc kinh doanh của bà con cũng khấm khá hơn, những dịch vụ như khách sạn, nhà hàng… phát triển theo, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Định hướng đến năm 2030, Trần Đề cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, là thị xã trực thuộc tỉnh với hướng phát triển không gian chính về thành phố Sóc Trăng và ven sông Hậu. Khi đó, Trần Đề sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng, được tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ hậu cần cảng biển, vận tải, hàng hải, các khu sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo ven biển, du lịch biển và đô thị biển; gắn kết với cảng biển ở cửa ngõ Trần Đề, khu kinh tế ven biển Trần Đề, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng kinh tế - xã hội ven biển bao gồm toàn bộ diện tích đất liền của thành phố Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề, được quy hoạch phát triển theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực để trở thành vùng động lực, thành trung tâm phát triển và lan tỏa kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trần Đề, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, với số vốn ban đầu lên đến 50 ngàn tỷ.
Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 phát triển hệ thống đô thị của tỉnh gồm 25 đô thị, đến năm 2050, hệ thống đô thị của tỉnh là 31 đô thị, trong đó, định hướng thành phố Sóc Trăng là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông; trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch, trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử; giữ vai trò là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, an ninh quốc phòng của tỉnh.
Cùng với Trần Đề, đô thị Vĩnh Châu cũng là một trong những đô thị trung tâm của vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, một đô thị thương mại, công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan, nông, lâm, ngư nghiệp và các ngành kinh tế biển, như điện gió ngoài khơi, nuôi trồng thủy sản mặn/lợ, dịch vụ hậu cần biển. Thị xã Ngã Năm là trung tâm của vùng nội địa về phía Tây Nam tỉnh Sóc Trăng; là đô thị thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sông nước, chợ nổi truyền thống.
Các đô thị còn lại được phân loại, nâng cấp, trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế của từng đô thị kết hợp lợi thế chung của tỉnh với hơn 72 km bờ biển và khoảng 70 km sông Hậu. Phát triển các khu đô thị, khu chức năng dịch vụ tổng hợp, nghỉ dưỡng ven biển, lấn biển, ven sông; khai thác các tiềm năng du lịch gắn phát triển đô thị tại Cù Lao Dung, các cồn nổi trên sông Hậu và khu vực bãi bồi ven biển…
Vùng kinh tế - xã hội ven biển Sóc Trăng được quy hoạch không chỉ làm tăng quy mô phát triển vùng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ngành kinh tế biển chiến lược, quan trọng của tỉnh và xa hơn là cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Và khi các ngành kinh tế biển phát triển sẽ tác động tích cực đến tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng như sự phát triển của các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tài chính…, từng bước biến Sóc Trăng trở thành một tỉnh có nền kinh tế khá và là nơi đáng sống trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thu Hương - An Hiếu