Tại Sóc Trăng, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng gắn với xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu từng bước chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”, đã giúp lĩnh vực nông nghiệp tỉnh này phát triển bền vững, đóng góp chung vào tốc độ tăng trưởng của tỉnh từ 1,18% (năm 2021) lên 5,77% (cuối năm 2023).
Vị ngọt vùng đất trũng phèn
Tại thị xã Ngã Năm, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng đang được chính quyền địa phương quan tâm; trong đó, mô hình trồng mãng cầu xiêm ghép với gốc bình bát đem lại hiệu quả vì phù hợp với địa hình trũng phèn nơi đây.
Theo ông Kim Thái Phong, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm, mô hình trồng mãng cầu xiêm được xem là mô hình hiệu quả trong thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Địa phương xác định ưu tiên đầu tư phát triển mô hình trồng mãng cầu xiêm và các sản phẩm từ trái mãng cầu nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Ông Kim Thái Phong cho biết, xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, trái mãng cầu xiêm còn được nhiều doanh nghiệp nghiên cứu và chế biến ra các sản phẩm như: trà mãng cầu, mứt mãng cầu và rượu mãng cầu,... Hiện, thị xã có 2 hợp tác xã trồng mãng cầu theo hướng hữu cơ với quy mô trên 100 ha, có 2 sản phẩm (trà mãng cầu Ngọc Trân và mứt mãng cầu Ngọc Trân) được công nhận OCOP 3 sao. Sản phẩm Trà mãng cầu Ngọc Trân cũng đạt sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023 của tỉnh Sóc Trăng. Mô hình trồng mãng cầu từ vài chục ha ban đầu đến nay đã phát triển gần 500 ha là một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả của địa phương.
Ông Phạm Hữu Huynh (ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) cho biết, hơn 12 năm trước, gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi 1.000 m2 sản xuất lúa kém hiệu quả để trồng mãng cầu xiêm. Hơn hai năm sau, gia đình thu hoạch đợt trái đầu tiên với năng suất hơn 3 tấn trái/năm, với giá bán 10.000-15.000 đồng/kg (thời điểm 10 năm trước); trừ chi phí sản xuất thu nhập từ 20–25 triệu đồng. Ông Huynh cũng cho biết, trước kia trồng lúa 1.000 m2 thu lợi nhuận khoảng 3-4 triệu đồng/năm, trồng mãng cầu xiêm hiện mang lại thu nhập ổn định ở mức cao hơn 7-8 lần so với trồng lúa.
Còn tại huyện Mỹ Tú, vùng đất trũng phèn ngày nào chỉ trồng cây tràm, cây mía, thu nhập của nông hộ chỉ vài chục triệu đồng/1ha/năm, giờ đây đã được thay thế bằng cây dứa MD2 với giá trị tăng gấp nhiều lần.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Nguyễn Thanh Điền thông tin, thời gian đầu, toàn huyện chỉ có 6 ha trồng loại dứa này, đến nay diện tích đã tăng lên gần 45 ha. Nông dân trồng dứa MD2 được ký kết hợp đồng với Công ty West Food (tỉnh Hậu Giang) cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu mua trái với giá theo từng hợp đồng nên rất yên tâm sản xuất. Cây dứa đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân địa phương với lợi nhuận 150 triệu đồng/ha sau 18 tháng trồng, cao hơn từ 2-3 lần so với trồng mía, tràm.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Điền, thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng sản xuất dứa như nạo vét kênh, xây dựng trạm bơm điện…; tiếp tục vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng dứa nhằm tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích sản xuất.
Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng
Theo ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng gắn với xây dựng nông thôn mới đã mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức cho người dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch.
Thông qua thực hiện tái cơ cấu, lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh từ 1,18% năm 2021 lên 5,77% năm 2023. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 2023 đạt gần 222 triệu đồng/ha, tăng 23,45 triệu đồng/ha (so với năm 2021). Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 1.507 triệu USD.
Ông Trần Tấn Phương cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích người nông dân yên tâm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn; đầu tư phát triển theo chiều sâu.
Cũng theo ông Phương, lĩnh vực chăn nuôi tại tỉnh đã từng bước thực hiện theo hướng an toàn sinh học, quan tâm áp dụng tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, thúc đẩy hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch. Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản, phục vụ cho hợp tác liên kết, cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh…
Sóc Trăng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dự án phát triển thủy sản bền vững; dự án phát triển chăn nuôi bò… nhằm giúp tăng thu nhập trên một ha sản xuất nông nghiệp và phấn đấu cuối năm 2024 đạt mức tăng trưởng trên 4%.
Tuấn Phi