Đời sống đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng không ngừng đổi thay

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm khoảng 30% dân số của tỉnh. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, đời sống đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào Khmer đã không ngừng phát triển, đổi thay từng ngày.

ce965f87228c763667c7522e939cbd17.jpeg
Đồng bào Khmer tiến hành các nghi lễ Sene Dolta truyền thống tại chánh điện. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Triển khai hiệu quả sử dụng vốn

Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở cuối nguồn sông Hậu. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính trực thuộc (8 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố) với 108 xã, phường, thị trấn và 775 khóm, ấp. 3 năm qua, tỉnh đã và đang triển khai có hiệu quả nguồn vốn từ Trung ương, từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo ông Trần Khắc Trung, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, từ nguồn hỗ trợ đầu tư của Trung ương, các cấp, ngành và vốn huy động, đến nay Sóc Trăng đã có 15/24 mục tiêu và 16/40 chỉ tiêu cụ thể đạt và vượt so với Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, các chỉ tiêu còn lại phấn đấu đảm bảo thực hiện đúng lộ trình hàng năm và dự kiến đến năm 2025 thực hiện đạt và vượt kế hoạch đã đề ra.

vna_potal_dong_bao_khmer_tai_soc_trang_don_le_sene_dolta_2024_am_ap_dam_ban_sac_dan_toc_7627274.jpg
Phật tử Khmer thực hiện nghi thức đặt cơm nếp vắt tại chùa Sro Lôn (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Đại Tâm là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số với 85% dân số là người dân tộc Khmer. Đây là xã đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên và cũng là xã đầu tiên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Sóc Trăng. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền nhân dân xã Đại Tâm đã tranh thủ và huy động nguồn lực trên 26 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 3,7 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến cuối năm 2023, địa phương đã hoàn thành 4/4 tiêu chí bắt buộc, 1/1 tiêu chí tự chọn và 3/3 tiêu chí điều kiện để xét công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, có nhiều tiêu chí đạt và vượt khá cao so quy định như thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 76,18 triệu đồng/người/năm 2023, cao hơn so với mức quy định của Bộ tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 1,64%…

vna_potal_soc_trang_xa_hoi_hoa_xay_cau_nong_thon_vung_dan_toc_khmer__7433449.jpg
Ngày 16/6/2024, tại xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng phối hợp với UBND huyện Mỹ Tú tổ chức khánh thành 2 cây cầu nông thôn (cầu Vạn Duyên và cầu Khiêm Hương) với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer giao thương dễ dàng và học sinh đi học thêm thuận lợi. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Ông Trần Chín Tâm, Chủ tịch UBND xã Đại Tâm cho biết Đại Tâm là vùng đất có ba dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống, có sự giao thoa văn hóa độc đáo, tạo nên sự đa dạng, phong phú của cả ba dân tộc. Phát huy bản sắc văn hóa, trên địa bàn xã có nhiều loại hình nghệ thuật rất độc đáo và sáng tạo. Điển hình là nhạc ngũ âm, múa Rô băm và các điệu múa truyền thống. Việc giữ gìn tốt văn hóa Khmer là điều kiện để hướng tới tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa mới của thời đại trong điều kiện giao lưu và hội nhập hiện nay, góp phần làm phong phú thêm văn hóa địa phương nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung. Trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa, nhân dân Đại Tâm đã biết khơi dậy truyền thống văn hóa, bản sắc của dân tộc mình. Sự giao thoa văn hóa với dân tộc Kinh, Hoa đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã hiện nay.

vna_potal_dong_bao_khmer_tai_soc_trang_don_le_sene_dolta_2024_am_ap_dam_ban_sac_dan_toc_7627270.jpg
Đồng bào Khmer cúng thỉnh gia tiên trong ngày lễ Sene Dolta. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Phấn khởi trước những đổi thay ở quê hương mình, ông Thạch Ngọc Bá, người có uy tín ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chia sẻ đời sống đồng bào Khmer, đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước chăm lo rất chu đáo. Được các cấp chính quyền quan tâm, người dân chung tay xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày càng thể hiện rõ sự khang trang, đường liên xã, liên ấp đảm bảo sáng-xanh-sạch-đẹp.

Tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, địa phương có hơn 52% là đồng bào Khmer và 17% là đồng bào Hoa. Những năm gần đây, thị xã luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ thông qua các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Nhờ đó, cuộc sống cả vật chất và tinh thần người dân nơi đây đang không ngừng phát triển đi lên.

vna_potal_dong_bao_khmer_tai_soc_trang_don_le_sene_dolta_2024_am_ap_dam_ban_sac_dan_toc_7627268.jpg
Sư sãi và đồng bào Khmer thực hiện các nghi lễ truyền thống để hồi hướng quả phúc đến tổ tiên. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Theo ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, lãnh đạo thị xã Vĩnh Châu đã chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ trong công tác thực hiện chính sách dân tộc, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Điều này góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh và thị xã; giảm dần số ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân…

Vui mừng trong căn nhà mới, ông Kim Cươl ở khóm Wath Pích, Phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu cho biết: Trước đây, gia đình ông khó khăn, nhà cửa dột nát, mưa gió khổ lắm. Được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng cùng ít tiền dành dụm góp chung vào xây dựng căn nhà khang trang để yên tâm làm ăn. Vui mừng hơn là gia đình ông còn được xét hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn với số tiền 10 triệu đồng. Với số tiền này, ông Cươl cho con cái học nghề cơ khí làm nhôm, sắt. Nhờ vậy, hai đứa con của ông đã mua được máy cắt, làm sắt, làm tủ, đóng bàn ghế… có thu nhập ổn định hơn trước đây khi phải đi làm thuê làm mướn.

vna_potal_day_manh_giam_ngheo_o_vung_bien_gioi_bien_vinh_chau_7675929.jpg
Hộ ông Kim Cươl (bên phải) ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, trong căn nhà mới được hỗ trợ. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Còn hộ bà Sơn Thị Lện, cùng khóm Wath Pích, trước đây mưa tạt gió lùa căn nhà nhỏ che chắn tạm bợ. Được hỗ trợ từ 2 chương trình nhà ở và chuyển đổi ngành nghề với tổng cộng 88 triệu đồng, căn nhà của bà đã xây mới được căn nhà. Giờ đây bà đã yên tâm chỉ lo làm ăn kiếm tiền nuôi cháu. Với số tiền chuyển đổi sản xuất, bà Lện mua được 6 con heo, mỗi con sau thời gian chăn nuôi cũng được vài chục ký. Tết này xuất chuồng, bà hy vọng có được khoản tiền kha khá để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.

vna_potal_day_manh_giam_ngheo_o_vung_bien_gioi_bien_vinh_chau_7675971.jpg
Hộ bà Sơn Thị Lện (người nữ) ở Phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu được hỗ trợ nhà ở, vốn hỗ trợ sãn xuất (nuôi heo) đrể nâng cao thu nhập. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Với chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước, các xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đều có trường, lớp học và duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học, có trạm y tế đạt Bộ tiêu chí quốc gia. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, phường, thị trấn; 100% ấp, khóm có điện lưới quốc gia; hơn 99,7% hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy. Đời sống người dân Khmer Sóc Trăng ngày càng phát triển và đang đổi thay từng ngày.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm