Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Gia Lai đã quan tâm đầu tư chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho bà con, tạo mọi điều kiện để bà con ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống và hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay rõ nét.
Phường Chi Lăng là phường vùng ven và cửa ngỏ vào thành phố Pleiku, có 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ và sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi nên cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chương trình, địa phương đã hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; mở các lớp tập huấn chăm sóc cây trồng, tạo mọi điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; hỗ trợ về cây trồng và vật nuôi phù hợp với các điều kiện tự nhiên của 3 làng nhằm tăng thu nhập và ổn định đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, phường cũng chú trọng đầu tư các công trình thiết yếu như: đường, giao thông, nước sạch và hệ thống điện, mở lớp học xóa mù chữ, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế… nhằm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con, đến nay, trên địa bàn phường còn 4 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Trần Thị Út, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Chi Lăng, thành phố Pleiku cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, phường đã mở lớp xóa mù chữ tại Trường tiểu học Ngô Quyền cho bà con của các làng; mở lớp tin học cho bà con làng Ia Lang với 76 học viên tham; đồng thời, thực hiện chuyển đội nghề cho 13 hộ tương đương với số tiền 130 triệu; giải quyết nhu cầu nước sạch cho 13 hộ với số tiền là 36 triệu đồng. Mặc khác, tập trung mở các lớp tập huấn về công nghệ số, trồng cây lúa và chăm sóc cây cà phê… Qua sự hỗ trợ của các chương trình, bà con đã nâng cao chất lượng đời sống, tăng thu nhập hiệu quả.
Thành phố Pleiku hiện có 37 làng dân tộc thiểu số. Những năm qua, thành phố đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các xã vùng ven; lồng ghép các nguồn vốn để triển khai các chương trình, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho bà con.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố Pleiku đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện đăng ký cam kết vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, các cấp các ngành tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn để xác định những chính sách phù hợp.
Qua đó, đề xuất điều chỉnh theo hướng mở rộng các chính sách kích thích sản xuất, khuyến khích thoát nghèo để người dân khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt nắm nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, sát thực giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Anh Ksor G Lĩu – Lành Bong Phrâo, xã An Phú, thành phố Pleiku cho biết, trước đây, gia đình anh rất khó khăn, cũng nhờ bên thành phố với xã hỗ trợ cho tiền xây nhà và cho thêm một con bò, bây giờ gia đình anh đã thoát nghèo.
Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đó, giai đoạn năm 2021-2025, trên địa bàn thành phố thực hiện 5 dự án, tiểu dự án: tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trong 3 năm 2022 - 2024, với hơn 11,5 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương hơn 10,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 1 tỷ đồng.
Kết quả thanh quyết toán đến 25/10/2024 là hơn 5,3 tỷ đồng, đạt 46,5%; trong đó, đã thực hiện hỗ trợ xây mới 21 nhà ở, 60 bồn chứa nước sinh hoạt cho 60 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề (mua sắm máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp) cho 72 hộ; duy trì 05 lớp xóa mù chữ cho 97 học viên, tổ chức 11 lớp đạo tạo nghề, cho 361 học viên, 6 lớp tuyên truyền với 420 người tham gia; hỗ trợ 1 điểm đến du lịch và 3 thiết chế văn hóa (hỗ trợ 5 bộ nhạc cụ, sửa chữa, bảo tồn giọt nước); lắp đặt 9 cụm pano tuyên truyền; tổ chức hội nghị biểu dương người có uy tín, biên soạn và phát hành 800 cuốn sổ tay thông tin, tuyên truyền Chương trình về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, …
Bà Lê Thị Hoài, chuyên viên Văn phòng HĐND - UBND thành phố Pleiku cho biết, văn phòng HĐND-UBND thành phố - Cơ quan thường trực của chương trình tiếp tục tham mưu UBND thành phố đẩy mạnh tuyên truyền chương trình, lợi ích thực sự của chính sách đối với người dân vùng dân tộc thiểu số, tiếp tục rà soát đối tượng thụ hưởng, nhu cầu của đối tượng, của các địa phương; chỉ đạo các cơ quan chủ trì các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần và các xã, phường trên địa bàn thành phố cần chủ động triển khai các nội dung thuộc chương trình được giao.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra và giám sát việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình....
Theo thống kê, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh còn khoảng 23.884 hộ nghèo, chiếm 6,07%; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 21.377 hộ, chiếm 12,71%; kết quả giảm hộ nghèo năm 2024 của tỉnh là 2,04%, đạt 101,91% so với kế hoạch; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,34% đạt 144% so với kế hoạch. Toàn tỉnh hiện còn 34.546 hộ cận nghèo, chiếm 8,77%, giảm 0,44% so với năm 2023; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 27.671 hộ cận nghèo, chiếm 16,45%, giảm 0,42%.
Quang Thái