Việc sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp, bền vững, tiết kiệm, có hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang trở thành chiến lược quan trọng đối với mọi quốc gia. Tỉnh Gia Lai nằm trong khu vực Tây Nguyên, có nguồn đất nông nghiệp dồi dào nhưng lại rơi vào tình trạng thoái hóa khiến phần lớn diện tích cây trồng bị ảnh hưởng. Do đó, tỉnh Gia Lai xác định hoạt động phục hồi đất nông nghiệp là một nhiệm vụ thường xuyên, đang từng bước ứng dụng nhiều biện pháp, nhằm nâng cao chất lượng đất tại địa phương.
Tỉnh Gia Lai có gần 1,4 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 89,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó, có hơn 1,1 triệu ha đã bị thoái hóa (hơn 322.000 ha thoái hóa nặng, hơn 533.000 ha thoái hóa trung bình và thoái hóa nhẹ gần 328.000 ha). Diện tích tích đất thoái hóa này gồm có 4 loại hình: đất bị xói mòn do mưa; đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; đất bị kết von; đất bị suy giảm độ phì nhiêu. Đây cũng là 4 nguyên nhân chính dẫn đến việc thoái hóa đất của cả khu vực Tây Nguyên.
Nhằm khắc phục sự thoái hóa và phục hồi diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn, Gia Lai đã áp dụng nhiều giải pháp khoa học-công nghệ để đánh giá tiềm năng đất đai, phân hạng đất nông nghiệp và đánh giá ô nhiễm đất, đặc biệt là xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng tài nguyên đất. Tuy nhiên, do chưa kiểm soát được việc sử dụng phân bón hóa học trong canh tác của nông dân khiến đất bị suy giảm độ phì nhiêu cũng như tình trạng phá rừng làm nương rẫy, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa đúng quy hoạch, dẫn đến tình trạng xói mòn đất tại các khu vực đồi núi, tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại các khu vực chưa được cải thiện rõ rệt khiến tình trạng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa được phục hồi như mong muốn.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, do chất đất để phục hồi diện tích đất đã bị thoái hóa, các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng cần thực hiện các biện pháp để làm giảm tối đa tác hại của mưa và dòng chảy do mưa tạo ra, đồng thời làm tăng độ phì nhiêu của đất. Tái tạo lớp phủ thực vật bằng cây rừng hoặc tổ hợp cây nông lâm kết hợp, để bảo vệ độ phì nhiêu của đất và sử dụng bền vững đất dốc, thực hiện tuần hoàn hữu cơ trong đất. Kết hợp triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp như sinh học, nông học, hóa học, cơ học và đầu tư thâm canh sử dụng đất theo chiều sâu. Ngoài ra, tăng cường thực hiện các dự án trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế, thương mại cao kết hợp nuôi, trồng các loại cây, con một cách hợp lý nhằm một mặt sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, mặt khác vẫn đảm bảo việc bảo vệ, phục hồi tài nguyên đất dốc.
Cùng với đó, để ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hóa đất tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững, nông dân Gia Lai có thể áp dụng trồng xen, trồng gối, trồng cây theo đường đồng mức, áp dụng các công thức luân canh, trong đó có cây họ đậu để tăng tính đa dạng sinh học về giống, loài theo thời gian và không gian. Qua đó, tránh được rủi ro của cây trồng và thời vụ, tăng độ che phủ đất, chống xói mòn, rửa trôi, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh.
Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị thoái hóa ảnh hưởng đến đời sống cũng như thu nhập của nông dân, ngành tài nguyên môi trường tỉnh Gia Lai đã có nhiều kiến nghị gửi trung ương về việc triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi người sử dụng tại những khu vực đất bị thoái hóa nặng. Tỉnh đề nghị phải có cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho chủ rừng thực hiện quyền sử dụng đất, sử dụng, sở hữu rừng, làm cho rừng thực sự trở thành hàng hóa, thành nguồn vốn phát triển lâm nghiệp.
Đồng thời, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân cho thuê hoặc góp cổ phần bằng quyền sử dụng rừng, đất lâm nghiệp để tích tụ đất đai, tạo các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung. Các đơn vị chuyên môn cũng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển giao khoa học-công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp để bảo vệ, cải tạo, giảm thiểu thoái hóa đất, bao gồm cả giải pháp về thủy lợi.
Ngoài ra, Gia Lai cần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp với từng loại cây trồng, vật nuôi làm thay đổi tập quán canh tác phân tán, thủ công, lạc hậu sang sản xuất bằng máy, thiết bị tiên tiến, hiện đại, có năng suất, chất lượng hiệu quả cao, giảm tổn thất trong nông nghiệp. Ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo và phòng chống cháy rừng, góp phần giảm thiểu suy thoái rừng gây suy thoái đất.
Hồng Điệp