Ngày 20/11, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập, phát triển”.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đề nghị, cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và các chính sách dân tộc. Tỉnh quan tâm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, gắn kết du lịch với gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Bà Nông Thị Hà mong muốn, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tự tin, tự lực, tự cường, không ngừng nỗ lực vươn lên; tin tưởng và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục giữ gìn bản sắc tốt đẹp của dân tộc, truyền dạy cho con cháu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Ông Bùi Huy Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị, các cấp chính quyền tiếp tục huy động, lồng ghép nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là thế mạnh về phát triển nông - lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế. Các cấp chính quyền nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hóa; sưu tầm, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Đồng thời, phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; tích cực đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp các ý kiến về bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; phát triển giáo dục, đào tạo; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; bảo vệ môi trường sinh thái vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Vĩnh Phúc có 11 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh không còn xã khu vực II, khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt khoảng 61,2 triệu đồng/người/năm (tăng 1,2 lần so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số là 0,98%. Chất lượng giáo dục, y tế ngày càng được nâng cao, 100% trường học đạt chuẩn Quốc gia. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được thực hiện hiệu quả.
Tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, giai đoạn 2025 - 2029, Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với bình quân chung của tỉnh. Phấn đấu đến hết năm 2029, thu nhập bình quân đầu người/năm tăng 2,0 lần so với thời điểm hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 1%...
Dịp này, 1 tập thể và 6 cá nhân được nhận Bằng khen của Ủy ban Dân tộc; 4 cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” của Ủy ban Dân tộc. Đồng thời, 5 tập thể và 9 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Nguyễn Thảo