Hình ảnh các cô giáo băng đèo, cõng đồ dùng dạy học lên điểm trường Cả Giang (Trường Tiểu học xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã quá đỗi quen thuộc với người dân nơi đây. Thầy cô dạy học ở bản vùng cao này chỉ có mong ước giản đơn là giúp học sinh có cơ hội tiếp cận tri thức, có cuộc sống ấm no, từ đó, góp phần xây dựng quê hương tốt đẹp hơn.
Tờ mờ sáng, khi sương trắng còn phủ kín những con đèo dốc đứng, cô giáo Đàm Thị Trang dạy tại điểm trường Cả Giang bắt đầu hành trình lên vùng cao. Sau hơn một giờ đồng hồ, vượt qua mấy con dốc đứng, đường gồ ghề khó đi, màn sương tan dần trong nắng sớm, điểm trường Cả Giang hiện ra giữa lưng chừng núi đá.
Đặt nhanh bình nước 20 lít ở trên yên xe xuống, cô giáo Đàm Thị Trang chia sẻ: Cô chuyển công tác tới điểm trường đã được hơn 3 tháng. Hằng ngày, cô phải đi từ sáng sớm để đến điểm trường đúng giờ học sinh tới lớp. Thời gian đầu đi một mình, cô rất lo sợ, nhưng vì học sinh cô cố gắng vượt qua mọi khó khăn; đi nhiều rồi thành quen. Trên vùng cao, nhà cửa thưa thớt, cô Trang sợ nhất những lúc xe chết máy hoặc thủng lốp dọc đường. Nếu xe hỏng nặng cô đành dắt bộ, hôm nào may mắn gặp được người xuống chợ phiên sớm hoặc đưa con đi học thì họ giúp cô sửa chữa...
Cùng cô giáo Đàm Thị Trang, cô Đàm Thúy Len đã 18 năm bám bản, dạy học ở điểm trường Cả Giang. Theo cô Len, khó khăn đối với các thầy, cô giáo ở đây không chỉ là con đường đến trường mà còn là tình trạng thiếu điện, nước sạch. Vì vậy, các cô phải thường xuyên chở nước từ trường chính vào phục vụ sinh hoạt. Thiếu đồ dùng học tập, trang thiết bị dạy học cũng làm gia tăng khó khăn trong việc duy trì chất lượng dạy học ở đây.
Điều an ủi cũng là động lực để thầy, cô giáo ở Cả Giang bám lớp, bám bản có lẽ là sự chân thành của phụ huynh; sự ngoan ngoãn, hiếu học của học sinh. "Trên này cuộc sống khó khăn nhưng người dân thật thà, tốt bụng. Dù nắng hay mưa, họ đều cố gắng đưa con em đến lớp", cô Len tâm sự.
Với cô Len niềm vui lớn nhất là học sinh Cả Giang không còn tư tưởng bỏ trường, bỏ lớp sau mỗi mùa dọn đất, tỉa hạt hay thu hoạch vụ mùa. Đây không chỉ là niềm mong mỏi của riêng cô mà có lẽ là niềm vui chung của tất cả những người thầy, người cô ở vùng cao - những người đã và đang nỗ lực vượt khó để "ươm mầm con chữ" cho học sinh trên vùng núi đá khô cằn. Từ đó, đem lại cuộc sống ấm no cho các em nói riêng và bản Cả Giang nói chung.
Điểm trường Cả Giang có 81 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, Nùng theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Hơn 80% gia đình các em thuộc diện hộ nghèo, đời sống vô cùng khó khăn. Điểm trường có 5 phòng học, các phòng đều đã phủ màu rêu phong. Nhiều bộ bàn ghế đã xộc xệch, chân thấp, chân cao, hoen ố và gỉ sét theo thời gian. Bên cạnh các lớp học là căn phòng công vụ nhỏ hẹp khoảng chừng 20m2, được các cô giáo bố trí với đủ công năng vừa là phòng ngủ, bếp nấu ăn vừa là nơi ăn uống, soạn bài.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thượng Thôn - Hứa Thị Hồng chia sẻ, những năm qua, để học sinh Cả Giang không bỏ trường, bỏ lớp giữa chừng, các thầy cô đã đến từng gia đình vận động phụ huynh, đón các em đi học. Đồng thời, nhà trường luôn quan tâm, chăm lo bữa ăn bán trú đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh để phụ huynh yên tâm, tin tưởng hơn khi cho con em đi học. Nhờ đó, năm học vừa qua, tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp 1 đạt 100%, số học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đều đạt 100 %...
Khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả của giáo viên ở Cả Giang. Những câu chuyện về sự cống hiến thầm lặng của các thầy, cô giáo trong việc làm thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh về giáo dục là những tín hiệu tích cực cho một tương lai tươi sáng hơn của trẻ em Cả Giang, góp phần xây dựng những miền quê vùng cao đủ đầy, ấm no hơn...
Hà Quảng là huyện khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Toàn huyện có hơn 60 điểm trường lẻ, chủ yếu ở cấp mầm non và tiểu học với khoảng 400 giáo viên. Năm học 2024 – 2025, ngành giáo dục huyện được đầu tư hơn 80 tỷ đồng từ Nhà nước và xã hội hóa để xây dựng, sửa chữa trường lớp, mua sắm thiết bị dạy và học cho các nhà trường. Những năm gần đây, công tác phổ cập giáo dục, huy động học sinh ra lớp luôn được duy trì, nâng cao. Tuy nhiên, để đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để công tác giáo dục ở những điểm trường lẻ được nâng cao và có chất lượng hơn.
Chu Hiệu