Bình Thuận là một trong những địa phương có đồng bào Chăm sinh sống. Để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng Chăm, những năm qua, công tác dạy tiếng Chăm cho con em người Chăm tại các trường tiểu học ở Bình Thuận luôn được quan tâm, duy trì thường xuyên.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, năm học 2024-2025, có 4 địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức dạy học tiếng Chăm ở bậc tiểu học, đó là các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân. Cụ thể, toàn tỉnh có 12 trường tiểu học với 3.753 học sinh (149 lớp) từ lớp 1 đến lớp 5 được dạy học tiếng Chăm. Nhìn chung, các cơ sở giáo dục tiểu học chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch dạy tiếng Chăm phù hợp điều kiện thực tiễn nhà trường, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh dân tộc thiểu số.
Đến nay, cơ sở vật chất, phòng học tại các trường đều cơ bản đáp ứng. Toàn tỉnh hiện có 60 giáo viên tiếng Chăm có chứng chỉ bồi dưỡng, trong đó, 52 giáo viên trực tiếp giảng dạy môn tiếng Chăm tự chọn từ lớp 1 đến lớp 5 đạt chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học và có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn dạy học tiếng Chăm ngắn hạn.
Trường Tiểu học Phan Hiệp (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình) có vị trí đặc biệt khi nằm tại xã thuần đồng bào Chăm sinh sống. Từ năm 1995 đến nay, nhà trường luôn duy trì việc dạy và học tiếng Chăm cho trẻ với mục tiêu góp phần thiết thực trong gìn giữ, bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Chăm.
Trên cơ sở bám sát văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình giáo dục phổ thông tiếng Chăm, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Trường Tiểu học Phan Hiệp chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch dạy tiếng dân tộc thiểu số phù hợp điều kiện thực tiễn nhà trường, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh.
Năm học 2024-2025, trường có 19 lớp với 529 học sinh. 100% học sinh đều đăng ký học tiếng Chăm, trong đó, có 29 em dân tộc Kinh (có cha hoặc mẹ là dân tộc Chăm). Hiện trường có 4 giáo viên tham gia giảng dạy tiếng Chăm.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Hiệp Phạm Văn Hạ cho biết, hiện nay, cơ sở vật chất, trường lớp đảm bảo, đáp ứng yêu cầu cho việc giảng dạy học tiếng Chăm. Tiếng Chăm được dạy và học 2 tiết/tuần, đáp ứng tương đối nhu cầu của đồng bào Chăm tại địa phương.
Việc dạy và học tiếng Chăm trong trường học nhận được sự đồng thuận rất cao từ các vị chức sắc trong làng cũng như phụ huynh, học sinh. Ngoài ý nghĩa bảo tồn tiếng nói và chữ viết Chăm, dạy tiếng Chăm bổ trợ nhiều trong quá trình giảng dạy tiếng Việt.
Thông qua tiếng Chăm, giáo viên cung cấp thêm sự vật, giải nghĩa một số từ tiếng Việt mà các em chưa biết hoặc không hiểu, giúp học sinh học tốt hơn môn học khác bằng tiếng Việt. Hầu hết các em đều biết đọc, biết nói tiếng Chăm.
Hiện nay, việc dạy và học tiếng Chăm tại Bình Thuận gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình mới chưa được phát hành, các cơ sở giáo dục tiểu học gặp khó khăn trong điều chỉnh nội dung chương trình. Đội ngũ giáo viên hiện chỉ được bồi dưỡng chuyên môn dạy học tiếng Chăm tại địa phương, chưa được đào tạo đạt chuẩn ngành sư phạm về dạy tiếng dân tộc thiểu số theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Để tháo gỡ khó khăn, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Chăm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan triển khai hiệu quả kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021- 2030” trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, chú trọng bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số theo quy định; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếng dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc đưa tiếng dân tộc vào dạy học trong cơ sở giáo dục phổ thông, góp phần phát triển, gìn giữ, bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số…
Trên cơ sở xác định nhu cầu học tiếng dân tộc của con em đồng bào dân tộc thiểu số, ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng lộ trình triển khai dạy học tiếng Chăm ở bậc trung học cơ sở thời gian tới.
Hồng Hiếu