Lớp học của trẻ em người Chăm. Ảnh: dantri.com.vn |
Ông Huỳnh Văn Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận cho biết: Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, nhằm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giúp các dân tộc có điều kiện phát triển về mọi mặt. Chữ Chăm đã có từ lâu đời, đồng bào Chăm truyền tụng và lưu truyền, song ít được phổ biến rộng rãi. Vì lẽ đó, ngành giáo dục tỉnh luôn chú trọng việc dạy tiếng Chăm cho con em người Chăm tại các trường Tiểu học. So với những năm trước đây, việc triển khai dạy tiếng Chăm trong năm học 2018- 2019 có nhiều thuận lợi hơn. Bên cạnh việc hầu hết các trường đều bảo đảm cho học sinh có đủ sách giáo khoa, vở bài tập, các trường đều có giáo viên là người Chăm tâm huyết, có kinh nghiệm. Toàn tỉnh hiện có 48 giáo viên dạy tiếng Chăm được đào tạo. Các giáo viên giảng dạy tiếng Chăm đều tổ chức sinh hoạt chuyên môn hàng tháng để đề xuất biện pháp đổi mới phương pháp dạy học tiếng Chăm, vận dụng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) trong tổ chức lớp học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng tiếng Chăm, giúp giờ học sinh động, hiệu quả. Trường Tiểu học Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc là một trong những trường triển khai dạy và học tiếng Chăm hiệu quả từ nhiều năm qua. Năm học này, toàn trường có 10 lớp học với 259 học sinh (trong đó 238 em là người Chăm). Với phương châm dạy cho các em biết đọc, biết viết chữ mẹ đẻ, cung cấp cho các em một số tri thức tối thiểu về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, mỗi tuần trường thực hiện dạy khoảng 40 tiết học tiếng Chăm cho tất cả các khối lớp. Mỗi tiết học bao gồm 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc và viết. Cô Trần Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lâm Giang cho biết: Việc dạy và học tiếng Chăm trong trường học đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ các vị chức sắc trong làng cũng như phụ huynh học sinh. Ngoài ý nghĩa bảo tồn tiếng nói và chữ viết Chăm, việc dạy tiếng Chăm bổ trợ rất nhiều cho việc dạy tiếng Việt. Thông qua tiếng Chăm, giáo viên sẽ cung cấp thêm những sự vật, giải nghĩa một số từ tiếng Việt mà các em chưa biết hoặc không hiểu, giúp học sinh học tốt hơn các môn học khác bằng tiếng Việt. Hầu hết các em đều biết đọc, biết nói tiếng Chăm, riêng các em khối lớp 4 - 5 có thể viết được một đoạn văn ngắn bằng chữ Chăm. Bên cạnh các học sinh người Chăm, một số em học sinh dân tộc khác cũng rất thích thú với môn học tiếng Chăm. Thầy Nguyễn Thành Định, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lâm Thiện, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết: Trường có khoảng 120 học sinh người Chăm được phân bổ rải rác các lớp nên đến tiết học tiếng Chăm các em tập trung lại học, các em khác được nghỉ. Tuy nhiên, nhà trường nhận được phản hồi của phụ huynh mong muốn con em mình cũng được học thêm tiếng Chăm để mở rộng hiểu biết và giao tiếp. Vì vậy, đến tiết học tiếng Chăm, nếu các em học sinh khác có nhu cầu cũng được tham gia lớp học. Khó khăn lớn nhất trong việc dạy tiếng Chăm hiện nay là hầu hết thiết bị và đồ dùng dạy học tại các trường đều do giáo viên tự làm, tài liệu tham khảo còn ít. Nhiều giáo viên dạy tiếng dân tộc đạt chuẩn hoặc chuyên sâu về môn học này chưa được đào tạo. Theo ông Huỳnh Văn Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, Sở sẽ thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên dạy tiếng Chăm, đồng thời tiếp tục đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu mở các khóa đào tạo chuyên sâu về bộ môn này. Sở sẽ đề xuất với Vụ Giáo dục Dân tộc sớm ban hành bộ đồ dùng thiết bị tối thiểu dạy học tiếng Chăm.
Hồng Hiếu