Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị (không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp), Bộ Nội vụ đang tập trung sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm giải quyết các vướng mắc liên quan; phân định thẩm quyền, triển khai các công việc để khi tổ chức hành chính mới đi vào vận hành bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý, không có khoảng trống.

Song hành với đó, Đảng ủy Quốc hội cũng đang chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương IX quy định về chính quyền địa phương, dự kiến không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, chính quyền địa phương chỉ tổ chức thành hai cấp.
Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Theo bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, dự kiến Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 5/5. Ngày 6/5, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ công bố lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, sau đó Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận nội dung này, kết hợp với các luật có liên quan, trong đó có Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải trình ngay vào đầu kỳ họp để đại biểu Quốc hội, người dân tham khảo thảo luận, góp ý kiến cho Hiến pháp vì hai nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau.
“Về thời điểm dừng hoạt động của cấp huyện, qua nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi dự kiến, Hiến pháp sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 20-25/6. Sau đó làm cơ sở cho các luật khác thông qua như Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Dự kiến ngày 1/7 Hiến pháp có hiệu lực đồng thời với các luật”, bà Nguyễn Phương Thủy cho hay.
Như vậy, bà Thủy cho rằng, Quốc hội có thể phải ban hành một nghị quyết về việc chấm dứt hoạt động của các cơ quan chính quyền cấp huyện, giải thể các đơn vị hành chính cấp huyện và chấm dứt hoạt động của các cơ quan chính quyền cấp huyện vào thời điểm Hiến pháp và các luật có hiệu lực.
Ngày 1/7 bộ máy chính quyền địa phương chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp
Đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đang được Bộ Nội vụ tập trung hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 11 tới đây.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau Hội nghị này, toàn bộ những nội dung liên quan, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh phải sắp xếp, sáp nhập lại đã rõ, đồng thời cũng rõ được mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Sau khi Trung ương thông qua, ngày 16/4, sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Bộ đặt mục tiêu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các công việc liên quan đến sáp nhập tỉnh, xã và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trước ngày 30/6. Đến thời điểm này, sẽ kết thúc toàn bộ việc sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Từ ngày 1/7, khi một số nội dung trong Hiến pháp được sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các luật có liên quan có hiệu lực thi hành, sẽ kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện.
Dự kiến ngày 1/7 bộ máy chính quyền địa phương chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp, chỉ còn cấp tỉnh và cấp cơ sở. “Ngày 30/8 kết thúc việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, toàn bộ hệ thống chính trị sau khi sắp xếp và tổ chức lại sẽ chính thức đi vào hoạt động đồng bộ. Sau đó sẽ triển khai các việc liên quan đến đại hội", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ, các việc liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội hoàn thành song song theo mốc như trên. Cơ cấu và tổ chức lại của Tòa án và Viện Kiểm sát, các lực lượng có liên quan cũng “chạy” theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Thông tin tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung -Tây Nguyên diễn ra tại Đà Nẵng mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết dự kiến, hệ thống tổ chức bộ máy hành chính sẽ cơ cấu lại gồm 3 cấp, gồm: Trung ương, tỉnh/thành phố và xã/phường. Cuối tháng 3 vừa qua, đề án đã được hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tờ trình, đề án hiện đang được tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện để trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 11 với thời hạn hoàn thành trước 10/4.
Theo dự kiến, trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay, cả nước sẽ còn khoảng 34 tỉnh, thành phố; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính do Bộ Nội vụ soạn thảo cho thấy, có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp gồm thành phố Hà Nội, thành phố Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, gồm: 4 thành phố là Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và 48 tỉnh.
Hiện cả nước có 10.035 đơn vị hành chính cấp xã. Với việc tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường thì số xã sau sáp nhập dự kiến sẽ giảm khoảng 50%, thấp hơn so với đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ tại dự thảo Nghị quyết là tổng số lượng xã, phường sau sắp xếp của các tỉnh, thành phố giảm tối thiểu 70% và giảm tối đa 75% so với tổng số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay trên địa bàn.
Tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất, gồm: Diện tích tự nhiên; quy mô dân số; tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; tiêu chí về địa kinh tế (trong đó đã bao gồm tiêu chí về vị trí địa lý, quy mô và trình độ phát triển kinh tế); tiêu chí về địa chính trị; tiêu chí về quốc phòng, an ninh.
Bộ Nội vụ khuyến khích đặt tên của xã, phường mới theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.
Chu Thanh Vân