Phục hồi đất giúp hấp thụ hàng tỷ tấn CO2

Phục hồi đất giúp hấp thụ hàng tỷ tấn CO2
Rừng Omo ở Lagos, Nigeria, ngày 12/6/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN
 Rừng Omo ở Lagos, Nigeria, ngày 12/6/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Một báo cáo mới được công bố trên tạp chí Thiên nhiên bền vững đã phân tích về tiềm năng "cô lập" CO2 trong đất và nhận thấy rằng điều này đóng góp 25% lượng khí CO2 được đất hấp thụ nếu được xử lý tốt. Về mặt lý thuyết, đất có khả năng hấp thụ 5,5 tỷ tấn CO2 mỗi năm. 40% lượng hấp thụ này có thể đạt được chỉ bằng cách giữ nguyên hiện trạng của đất, đồng nghĩa không tiếp tục mở rộng hoạt động nông nghiệp hay đồn điền trên toàn cầu.

Tác giả nghiên cứu Deborah Bossio cho rằng hầu hết sự hủy hoại các hệ sinh thái đang diễn ra hiện nay đều có sự "đóng góp" của hoạt động nông nghiệp. Do đó, việc hạn chế hay tạm dừng mở rộng hoạt động này là "một chiến lược quan trọng". Theo bà, việc phục hồi đất sẽ mang lại những lợi ích lớn cho con người, bao gồm cải thiện chất lượng nước, sản xuất lương thực và chất lượng cây trồng.

Trên thực tế, đất đai có mối liên hệ mật thiết với khí hậu. Các khu rừng, cây và đất có thể hút và lưu trữ khoảng 30% lượng khí thải do con người tạo ra. Chính vì vậy, việc khai thác mạnh mẽ các nguồn tài nguyên này cũng sẽ tạo ra một lượng lớn khí làm Trái Đất nóng lên, trong đó có CO2, methane và nitrous oxide trong khi hoạt động nông nghiệp tiêu tốn tới 70% lượng nước ngọt của Trái Đất. Trong bối cảnh dân số toàn cầu có thể lên tới 10 tỷ người vào giữa thế kỷ này, cách thức quản lý đất đai của chính phủ, ngành công nghiệp và nông dân được cho đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế hay thúc đẩy tình trạng biến đổi khí hậu.

Năm ngoái, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đã công bố báo cáo về "Biến đổi khí hậu và đất đai", trong đó nhấn mạnh thế giới cần nỗ lực hơn để duy trì khả năng hút và lưu trữ khí gây hiệu ứng nhà kính của đất đai. IPCC cảnh báo nhân loại đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn giữa cách sử dụng nguồn tài nguyên đất - như các khu rừng, đầm lầy, thảo nguyên và cánh đồng - để cung cấp thực phẩm và nguyên liệu và cách sử dụng đất để giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu dài 1.000 trang của IPP nhấn mạnh nông nghiệp và nạn phá rừng bị coi là chịu trách nhiệm cho khoảng 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Theo báo cáo này, một trong các biện pháp hàng đầu có thể làm - để vừa hạn chế tác hại của việc phát triển nông nghiệp thái quá khiến thiên nhiên bị hủy hoại, vừa có thêm thực phẩm - là hạn chế nạn lãng phí. Tính tổng cộng trên toàn thế giới, khoảng 30% thực phẩm bị phí phạm hằng năm. Giảm 50% lượng tiêu thụ thịt cũng là một biện pháp quan trọng khác để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

    Phương Oanh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm