Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Cơ quan Nghiên cứu và phát triển đại dương cùng Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Nhật Bản đã phát hiện một loài vi sinh vật có khả năng tạo ra methanol. Loài vi sinh vật này sống dưới lòng đất, nơi tồn tại một loài vi sinh vật khác có thể sử dụng methanol để sản xuất methane, thành phần chính của khí thiên nhiên. Nghiên cứu này sẽ giúp làm sáng tỏ một quá trình mới trong sự hình thành khí thiên nhiên.
Các vi sinh vật này sinh sống trong môi trường tối, có nhiệt độ và áp suất cao, nơi mà sinh vật bình thường không thể tồn tại. Hơn một nửa số vi sinh vật sống dưới lòng đất phân giải chất hữu cơ từ xác động thực vật cổ đại để duy trì sự sống.
Trước đây, người ta cho rằng methane được tạo ra nhờ sự cộng sinh giữa các vi sinh vật sản xuất hydro và axit axetic từ chất hữu cơ, cùng các vi sinh vật khác phân hủy chúng thành methane. Một số vi sinh vật đã được phát hiện có khả năng tạo methane từ methanol, nhưng nguồn gốc của methanol vẫn chưa được rõ ràng.
Nhóm nghiên cứu mới đây đã phát hiện một loài vi sinh vật có khả năng tạo ra methanol từ axit formic phân giải từ chất hữu cơ dưới lòng đất tại một mỏ dầu ở miền Đông Trung Quốc. Mặc dù methanol có tính độc hại, các vi sinh vật khác lại sử dụng methanol để tạo ra methane, tạo nên mối quan hệ cộng sinh tiến hóa giữa chúng.
Các nhà khoa học cho rằng loài vi sinh vật này rất phổ biến trong môi trường ngầm, như mỏ dầu. Hiểu biết về quá trình hình thành methane của các vi sinh vật dưới lòng đất sẽ giúp ích trong việc ước tính tài nguyên khí thiên nhiên và tìm cách giảm lượng methane, một khí nhà kính nguy hiểm.
Xuân Giao