Nhóm nhà nghiên cứu Australia và Trung Quốc đã đạt được bước đột phá trong công nghệ khử muối mà họ cho rằng có thể mang lại lợi ích cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Nghiên cứu này vừa được Đại học Nam Australia (UniSA) công bố.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học phát hiện ra rằng các khoáng vật đất sét thông thường có thể khiến nước biển bốc hơi nhanh hơn nước ngọt. Trước đó, các nhà nghiên cứu của UniSA đã chứng minh được kỹ thuật sử dụng năng lượng Mặt Trời thúc đẩy nước bốc hơi trở thành giải pháp bền vững và tiết kiệm năng lượng để giảm bớt tình trạng khan hiếm nước ngọt trên toàn cầu. Tuy nhiên, phương pháp này bị hạn chế bởi tốc độ bốc hơi của nước mặn thấp hơn nước ngọt do ảnh hưởng của các ion muối đến quá trình bốc hơi.
Trong nghiên cứu mới, nhà nghiên cứu khoa học vật liệu UniSA Xu Haolan và các cộng tác viên của Australia và Trung Quốc đã khắc phục hạn chế này bằng cách đưa các khoáng sét thông dụng và có giá thành thấp vào thiết bị bay hơi hydrogel nổi. Kết quả cho thấy tốc độ bốc hơi của nước biển cao hơn 18,8 điểm phần trăm so với nước tinh khiết. Các nghiên cứu trước đây ghi nhận tốc độ bốc hơi của nước biển thấp hơn khoảng 8 điểm phần trăm so với nước tinh khiết. Theo ông Xu Haolan, chiến lược mới này có thể dễ dàng ứng dụng vào các hệ thống khử nước muối thông qua quá trình bay hơi hiện có, từ đó khả năng tạo ra lượng nước sạch khổng lồ, mang lại lợi ích cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Ông cho biết "chìa khóa" tạo nên bước đột phá này nằm ở sự trao đổi ion ở bề mặt tiếp xúc giữa không khí và nước. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thiết bị bay hơi vẫn duy trì hiệu suất ngay cả sau nhiều tháng ngâm trong nước biển. Trong thời gian tới, nhóm sẽ khám phá các chiến lược tiếp theo để đẩy nhanh quá trình nước biển bốc hơi.
Nguyễn Hằng