Nhóm nghiên cứu của Trường Kỹ thuật Điện tử thuộc Đại học Tây An (Trung Quốc) đã đạt được bước đột phá trong phát triển công nghệ truyền và định vị năng lượng không dây. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Nature Communications.
Sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị thông minh sử dụng công nghệ như Internet vạn vật (IoT), nhà thông minh, thiết bị bay không người lái (UAV)… khiến việc cung cấp năng lượng bền vững cho các thiết bị này đã trở thành một thách thức công nghệ cấp thiết. Trong khi đó, công nghệ sạc không dây truyền thống còn hạn chế do đòi hỏi khoảng cách gần và cần cảm ứng điện từ công suất cao.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công một hệ thống nguyên mẫu dựa trên siêu bề mặt tần số kép để truyền năng lượng không dây, cảm biến, định vị và liên lạc. Hệ thống này cho phép theo dõi việc truyền tải năng lượng, giúp cho việc sạc không dây hiệu quả hơn.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Li Long, hệ thống này có thể điều chỉnh các thông số về truyền sóng điện từ, tối ưu hóa việc truyền năng lượng theo thời gian thực dựa trên những thay đổi của môi trường và các yêu cầu của thiết bị.
So với các phương pháp sạc không dây thông thường, công nghệ mới có những ưu điểm đáng kể. Hệ thống này có thể hỗ trợ sạc không dây, không tiếp xúc cho nhiều thiết bị đang di chuyển như UAV và các robot thông minh, cung cấp nguồn điện ổn định và hiệu quả, từ đó khắc phục được những hạn chế của công nghệ sạc không dây hiện nay.
Lan Khanh