Các nhà khảo cổ học Trung Quốc vừa công bố phát hiện quan trọng, đó là tàn tích của một con đường cổ đại hơn 3.000 năm tuổi tại Di chỉ Yin (Yinxu), thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đây là một trong những phát hiện đáng chú ý trong nghiên cứu về nền văn minh nhà Thương.
Qua quá trình khai quật, các nhà nghiên cứu xác nhận sự tồn tại của một con đường chính chạy theo hướng Bắc-Nam với chiều dài lên đến 1,6 km. Trên bề mặt con đường, họ tìm thấy nhiều vết xe lăn dày đặc cùng các dấu tích của mương nước xung quanh. Theo ông Niu Shishan, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Trung Quốc, đây là con đường đô thị dài nhất từng được phát hiện tại Di chỉ Yin – kinh đô của nhà Thương (1600 TCN - 1046 TCN).
Bề mặt của con đường được lát bằng cát mịn, trộn lẫn với mảnh vỡ gốm và đá nhỏ. Nhiều di vật văn hóa như dây cương ngựa bằng đồng và rìu đá cũng đã được tìm thấy trong lớp đất xung quanh. Ông Niu chia sẻ hơn 3.000 năm trước, con đường này có thể là nơi xe ngựa và dòng người qua lại tấp nập.
Phát hiện mới này, cùng với các tàn tích của nhiều con đường và hệ thống mương nước được khai quật trước đó, cho thấy một mạng lưới giao thông đô thị phức tạp của nhà Thương. Mạng lưới này bao gồm ba con đường chính chạy hướng Đông-Tây và ba con đường chính chạy hướng Bắc-Nam.
Ông Niu cho biết các con đường trong thành phố cổ này được xây dựng rất có quy hoạch, giống như một bản đồ được vẽ sẵn. Chúng được nối với nhau một cách khoa học, tạo thành mạng lưới giao thông thuận tiện. Phát hiện năm 2024 đã giúp các nhà khảo cổ tìm thấy những con đường lớn chạy dọc theo sông Hoàng Hà. Những con đường này rộng đến 15m, thậm chí có đoạn còn rộng hơn 30m. Khoảng cách giữa các con đường lớn cũng rất đều đặn, từ 320 đến 550m. Điều này cho thấy người xưa đã chia thành phố thành nhiều khu vực khác nhau, mỗi khu có chức năng riêng, giống như các thành phố hiện đại ngày nay.
Di chỉ Yin, tọa lạc tại thành phố Anyang, là nơi từng đặt kinh đô cuối cùng của nhà Thương. Với niên đại 3.300 năm, đây được xem là di tích đầu tiên ở Trung Quốc được xác nhận qua khai quật khảo cổ học và các văn tự giáp cốt.
Lan Phương