Sóc Trăng tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm trên 35% dân số của tỉnh, trong đó dân tộc Khmer có khoảng 361.929 người, chiếm 30,19%. Đồng bào các DTTS sống đan xen, đoàn kết, gắn bó với đồng bào Kinh; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sau thời gian triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), các cấp ủy, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề cho người dân... Qua đó, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

Nâng chất đời sống đồng bào

Chúng tôi đến thăm ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, được gặp và trò chuyện với trưởng ấp Sơn Thị Hồng. Chị Hồng vừa dẫn chúng tôi đi trên những con đường liên ấp trải nhựa phẳng lì vừa hồ hởi khoe về những thành quả của bà con. Bưng Tróp A là một ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm tới 60% trên tổng số 641 hộ, 28757 nhân khẩu của ấp. Bà con chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi. So với trước đây, đời sống bà con trong ấp hiện đã được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân theo đầu người đạt từ 4-5 triệu/người/tháng. Số hộ nghèo của ấp hiện chỉ còn 4, số hộ cận nghèo cũng còn 4.

IMG_5881.JPG
Cơ sở khô cá lóc Lan ở ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp (Châu Thành, Sóc Trăng), đơn vị kinh doanh điển hình, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ Khmer, góp phần đồng hành cùng địa phương trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: An Hiếu

Một trong những cơ sở điển hình của ấp là cơ sở khô cá lóc Lan của chị Hứa Thị Lan Anh. Sau hơn 10 năm hoạt động, từ sự hỗ trợ 50% vốn ban đầu dành cho cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, tương đương 30 triệu đồng, chị đã ngày càng mở rộng quy mô, đầu tư mua lô sấy, làm kho lạnh chứa khô,... Đến nay, cơ sở của chị có hơn 10 nhân công người Khmer, đảm bảo thu nhập bình quân từ 130-200 ngàn/người/ngày.

Tạm biệt ấp Bưng Tróp A, chúng tôi sang ấp Giồng Chùa A. Đến thăm hộ gia đình anh Ký Tài, có mẹ là người Khmer, cha là người Hoa. Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Trước đây, anh làm hồ (thợ nề), vợ đi làm thuê làm mướn, thu nhập bấp bênh, phải nuôi mẹ già yếu và 2 con còn nhỏ, đang tuổi đi học nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Từ khi được hỗ trợ xây nhà và nguồn vốn gần 60 triệu đồng, anh có tiền mua xe máy làm phương tiện đi lại và cùng chị xin việc ở xưởng làm bánh, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 200-300 ngàn/ngày.

Theo ông Trương Phú Quốc, trưởng ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, ấp ông có 672 hộ với gần 3000 nhân khẩu, trong đó 80% là đồng bào Khmer, hiện đã thuộc diện ấp thoát nghèo, chỉ còn 9 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Người dân trong ấp chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng, chăn nuôi và đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Năm 2023 vừa qua toàn ấp có 3 hộ gia đình được nhận nguồn vốn hỗ trợ để cất nhà, mua phương tiện làm ăn từ chương trình mục tiêu quốc gia, trị giá khoảng 50 triệu đồng.

IMG_6587-Enhanced-NR-1.JPG
Nhờ vào Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hộ gia đình anh Ký Tài (bìa trái), người Khmer ở ấp Giồng Chùa, xã An Hiệp (Châu Thành, Sóc Trăng) được chính quyền địa phượng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà với giá trị gần 60 triệu đồng. Ảnh: An Hiếu

Châu Thành là huyện cửa ngõ của tỉnh Sóc Trăng, có tới 10 DTTS cùng sinh sống với 49.466 người, chiếm 51,96% dân số toàn huyện. Trong đó, Khmer 46.229 người, chiếm 48,56%; Hoa 3.208 người, chiếm 3,37%. Giai đoạn 2019 - 2024, tình hình kinh tế huyện có nhiều chuyển biến tích cực, liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá; hệ thống thủy lợi và giao thông nông thôn được nâng cấp và phát triển, nhiều công trình được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm trên 2,85%, riêng tỷ lệ hộ nghèo Khmer cuối năm 2023 giảm 2,77% so với năm 2019. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn 678 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 2,45%; trong đó có 440 hộ DTTS nghèo chiếm tỷ lệ 3,05%, và hộ cận nghèo là 418 hộ, chiếm tỷ lệ 1,51%, trong đó hộ cận nghèo DTTS có 281 hộ, chiếm tỷ lệ 1,95%.

Ông Trương Quốc Điền, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, huyện đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 3% - 4% hằng năm; 100% xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 90% đường giao thông ấp được cứng hóa; 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 95%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 100%; học sinh trong độ tuổi học trung học cơ sở đến trường đạt 98%; học sinh trung học phổ thông đến trường đạt 75%; trên 95% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế, 100% trạm y tế vùng dân tộc thiểu số được xây dựng đạt chuẩn quốc gia.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, từ nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã lồng ghép đầu tư, nâng cấp, làm mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS, hiện 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% hộ gia đình vùng DTTS được sử dụng lưới điện quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,65%. Toàn tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ với 67 mô hình phát triển sản xuất, góp phần đa dạng hóa sinh kế cộng đồng và giảm nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn 4.116 hộ nghèo là người DTTS, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2%/năm, trong đó, giảm tỷ lệ hộ dân tộc Khmer nghèo 3%/năm. Nhờ việc triển khai hiệu quả các chính sách cho vùng đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng nâng cao cuộc sống của đồng bào DTTS, đồng bào càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, phát huy tốt khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua. Riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,54%, GRDP bình quân đầu người là 60,10 triệu đồng/người/năm.

Tập trung ưu tiên mọi nguồn lực

Trong 3 năm (2021 - 2023), UBND tỉnh Sóc Trăng đã phân bổ tổng kinh phí 697.878 triệu đồng (trong đó, ngân sách trung ương 582.112 triệu đồng, ngân sách địa phương 52.879 triệu đồng, huy động ngoài ngân sách 5.209 triệu đồng và vốn tín dụng 57.678 triệu đồng), tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, thực hiện nhiều công trình, dự án.

IMG_6682.JPG
Đến nay, hầu hết các tuyến đường trong khu vực đồng bào Khmer sinh sống ở Sóc Trăng đều được trải nhựa thẳng tắp, thông thoáng đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: An Hiếu

Tính đến nay, đã có 81 công trình lộ giao thông nông thôn, 21 công trình cầu giao thông nông thôn, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và 10 công trình mạng lưới chợ được xây dựng; duy tu bảo dưỡng 50 công trình cơ sở hạ tầng; bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 5 trường phổ thông dân tộc nội trú; thực hiện trên 67 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cộng đồng…

Công tác thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS cũng được tỉnh quan tâm, hỗ trợ trực tiếp về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề, cấp thẻ bảo hiểm y tế, lắp đặt miễn phí đồng hồ nước, kéo điện lưới sinh hoạt cho đồng bào.

Từ nguồn vốn Chương trình đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 4600 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 943 hộ, đất ở cho 248 hộ, nhà ở cho 1.918 hộ; tổ chức các lớp đào tạo nghề với nhiều ngành nghề cho hơn 7300 học viên; từ nguồn vốn vận động xã hội hóa đã xây dựng 4.883 căn nhà cho hộ nghèo, với kinh phí trên 300.000 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 128.788 lượt hộ nghèo, 184.601 lượt hộ cận nghèo, bảo đảm 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đều có thẻ bảo hiểm y tế; Dự án cung cấp điện, điện hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, đã triển khai điện hóa 8.500 hộ, nâng tổng số hộ có điện là 394.404 hộ; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo 44 công trình điện, với tổng số tiền là 375.000 triệu đồng.

IMG_8525.JPG
Nuôi bò sữa, một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu

UBND tỉnh cũng quyết định lắp đặt miễn phí 619 đồng hồ nước cho hộ nghèo, miễn thu tiền sử dụng nước với tổng số 405.949 m3, phê duyệt đầu tư xây dựng 22 công trình với tổng số tiền 188.483 triệu đồng, cấp nước cho 14.860 hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS.

Các chương trình, dự án chính sách đầu tư phát triển giáo dục tiếp tục được triển khai đồng bộ, kịp thời; chất lượng giáo dục dân tộc chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất trường, lớp trong vùng đồng bào DTTS và các trường phổ thông dân tộc nội trú từng bước được đầu tư theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo (tỷ lệ tốt nghiệp trung học học sinh DTTS ổn định, hằng năm trên 96%).

Về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, qua 3 năm (2021-2023) đã tổ chức tư vấn, tuyển sinh và đào tạo 29.705 người (trong đó có khoảng 4.670 người là đồng bào DTTS), tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm đạt trên 90%; giải quyết việc làm cho 43.880 lao động (trong đó có trên 7.800 người là đồng bào dân tộc thiểu số). Các chính sách tín dụng ưu đãi cũng được triển khai đồng bộ, kịp thời, hỗ trợ 1.390 lượt hộ vay vốn chuyển đổi ngành nghề, nhà ở, đất ở, với số tiền 57.678 triệu đồng; các chính sách tín dụng ưu đãi khác đã hỗ trợ 125.249 lượt hộ vay…

HIE_8665.JPG
Ngoài công tác giảm nghèo thì công tác giáo dục cũng được xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào Khmer ở Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lâm Hoàng Mẫu, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết việc triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025 cùng với các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả tích cực. Điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, đồng bào có cơ hội tiếp cận các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập, các nhu cầu xã hội thiết yếu cơ bản được đáp ứng.

Giai đoạn 2024-2029, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2029 đạt 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp trải nhựa hoặc bê tông hóa; 100% đường giao thông khóm, ấp đến trung tâm xã được cứng hóa đạt chuẩn; 100% đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 77,5% đồng bào DTTS được sử dụng nước sạch; 100% đồng bào DTTS được sử dụng viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe nhìn; 100% người lao động DTTS có nhu cầu được đào tạo nghề. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 2%-3%, cơ bản không còn các xã, ấp đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.

Thu Hương

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm