Thành phần mới để sản xuất vaccine có thể chống COVID-19 và các căn bệnh khác

Thành phần mới để sản xuất vaccine có thể chống COVID-19 và các căn bệnh khác

Một tá dược hỗn hợp mới có thể được sử dụng để bào chế các vaccine ngừa COVID-19 và các chế phẩm khác hiệu quả hơn trong việc phòng ngừa nhiều căn bệnh. Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu do Viện Miễn dịch học La Jolla (LJI) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ thực hiện mới đây.

Thành phần mới để sản xuất vaccine có thể chống COVID-19 và các căn bệnh khác ảnh 1Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Miễn dịch khoa học, các nhà nghiên cứu Mỹ đã nhận thấy một tá dược mới - hoặc một loại thành phần có thể cho phép vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn - có thể tăng hiệu quả của việc tiêm chủng từ phòng bệnh HIV/AIDS đến COVID-19. Theo LJI, tá dược trên đóng vai trò như “những lá cờ đỏ” dẫn dắt hệ thống miễn dịch phản ứng mạnh hơn với các kháng nguyên và phát triển các tế bào cần thiết cho cơ thể để chống lại bệnh tật.

Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã tự sản xuất một loại tá dược được gọi là SMNP bằng cách kết hợp hai hoạt chất saponin và chất chủ vận gắn vào thủ thể TLR – một loại protein đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch bẩm sinh. Theo nghiên cứu, hoạt chất saponin đã được phê duyệt để sản xuất vaccine ngừa bệnh zona, trong khi chất chủ vận TLR được biết đến giúp kích thích phản ứng miễn dịch khi cơ thể lần đầu tiên phát hiện một kháng nguyên. Khi kết hợp với nhau, các nhà khoa học nhận thấy rằng các hoạt chất này “hợp tác cùng nhau” để kích hoạt nhiều cấp độ của hệ miễn dịch - điều này cuối cùng có thể giúp vaccine phát huy hiệu quả bảo vệ cao hơn chống lại các căn bệnh.

LJI cho biết: “Sự kết hợp này hoạt động rất hiệu quả khi giúp kích hoạt rất nhiều bộ phận khác nhau của hệ miễn dịch”. Trong khi saponin và chất chủ vận TLR có chức năng của mình, việc kết hợp hai chất này cũng kích thích hệ miễn dịch tạo ra nhiều hơn các tế bào T hỗ trợ giúp tăng cường phản ứng miễn dịch cũng như phân tử kháng virus interleukin-21.

Nghiên cứu trên được thử nghiệm trên chuột và dường như an toàn và hiệu quả. Các nhà nghiên cứu cho biết tá dược SMNP vẫn cần nghiên cứu thêm trước khi được triển khai sử dụng để sản xuất cá vaccine trong tương lai. Tuy nhiên, họ cũng hy vọng thành phần này cuối cùng có thể giúp ích cho công tác tiêm chủng phòng ngừa virus HIV gây bệnh AIDS, virus gây bệnh lao và sốt rét cùng các mềm bệnh khác.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các tá dược hiện đang được sử dụng trong sản xuất các vaccine ngừa virus như HPV, cúm, zona và viêm gan B. Trên trang web của mình, CDC cho biết: “Các vaccine có chứa các tá dược đã được đánh giá về tính an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng trước khi được cấp phép sử dụng tại Mỹ. Những tá dược này cũng được CDC và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) giám sát liên tục sau khi chúng được phê duyệt”.

Phương Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm