Thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương), vùng đất nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và khí hậu ôn hòa, hiện đang trở thành một trong những khu vực trồng thanh long ruột đỏ giàu tiềm năng. Sản phẩm này không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt Nam.
Xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) có nhiều diện tích trồng cây ăn quả phong phú và đa dạng như vải, cam, nhãn… Tuy nhiên, hiệu quả nhất phải kể tới cây thanh long ruột đỏ. Nhiều hộ gia đình tại xã Hoàng Hoa Thám đã chuyển đổi diện tích trồng cây ăn quả truyền thống sang trồng thanh long ruột đỏ bởi giống cây này có sức sống mạnh mẽ, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và cho năng suất cao.
Gia đình ông Hoàng Văn Toàn, dân tộc Tày, ở thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám đã nhiều năm gắn bó với cây vải nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cuối năm 2019, ông phá bỏ toàn bộ vườn vải để trồng thanh long ruột đỏ. Mỗi năm thanh long ruột đỏ cho thu hoạch 7-8 lứa quả. Với 6 sào trồng thanh long ruột đỏ, mỗi lứa cho thu lãi 15 -120 triệu đồng, đem lại thu nhập vượt trội so với các loại cây trồng khác, giúp gia đình có nguồn thu nhập cao và ổn định.
Hiện nay, diện tích trồng thanh long ruột đỏ tại Chí Linh đã đạt khoảng gần 40 ha. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Thanh long ruột đỏ ở đây chủ yếu được trồng ở các xã như Hoàng Hoa Thám, Bắc An và Hoàng Tiến. Nhiều hộ dân áp dụng các kỹ thuật tiên tiến như trồng giàn, hệ thống tưới tự động và chiếu sáng để kích thích cây ra hoa trái vụ, giúp tăng năng suất và giá trị sản phẩm. Diện tích này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong những năm tới khi người dân ngày càng nhận thấy hiệu quả của việc trồng thanh long ruột đỏ.
Thanh long ruột đỏ được biết đến với quả có màu sắc hấp dẫn, vị ngọt thanh mát, hạt nhỏ và dễ ăn. Nhờ những đặc điểm này, thanh long ruột đỏ không chỉ thu hút người tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, và các quốc gia Đông Nam Á.
Với giá bán trung bình từ 30.000 – 40.000 đồng/kg (tùy theo mùa vụ và chất lượng sản phẩm), người trồng thanh long ruột đỏ tại Chí Linh có thể thu nhập từ 100 triệu đến 200 triệu đồng/ha/năm. Đây là một mức thu nhập đáng kể so với các loại cây trồng khác tại địa phương.
Với diện tích đất trồng ngày càng mở rộng và chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện, thanh long ruột đỏ Chí Linh đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng đã và đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thế giới. Tháng 10/2022, sản phẩm thanh long ruột đỏ Bến Tắm đã được tỉnh Hải Dương cấp chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Chí Linh đang triển khai các chương trình hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng trọt, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và chế biến, đồng thời xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm. Việc xây dựng thương hiệu thanh long Chí Linh, kết hợp với các chiến lược tiếp thị, sẽ là yếu tố quan trọng để sản phẩm này vươn ra thị trường quốc tế và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Hương Hiền