Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen

Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Thái đến từ huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã tái hiện lại lễ hội Chá Mùn – một nét đẹp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng người Thái đen.

Lễ Chá Mùn là lễ tục cầu mùa, cầu phúc của người Thái đen. Qua lễ hội này, người dân sẽ gửi gắm những ước vọng lớn lao về cuộc sống bình yên, no ấm, đồng thời là dịp để mọi người giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vun đắp nên những nét đẹp trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cũng như lối ứng xử thân thiện, mến khách, tạo nên một sắc thái văn hóa đặc sắc.

Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 1Mâm cỗ cúng trong lễ hội Chá Mùn. Ảnh: Hoàng Tâm
Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 2Cây bông đủ loài hoa, chim muông, cá, ếch, voi, ngựa, thuyền bè. Ảnh: Hoàng Tâm 

Theo tương truyền của người Thái đen, từ xa xưa con người ở trần gian (Mường Lúm) bị dịch bệnh, không phương thuốc cứu chữa, tổ tông người Thái đen đã cử người lên Mường trời cầu cứu. Pó Then (ông Then - một tên gọi trừu tượng, người cai quản Mường trời, một Mường có cuộc sống hạnh phúc vô biên), có đầy đủ mọi tài năng tạo ra đất, ra nước và muôn loài, trong đó có loài người.

Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 3Thầy mo cùng mọi người thực hiện nghi thức mời thần linh. Ảnh: Hoàng Tâm
Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 4Tương ứng với những lời cúng là những động tác múa mô tả phương thức lao động hằng ngày của các cô gái Thái đen. Ảnh: Hoàng Tâm

Người Thái đen quan niệm, người trần gian không có phương sách nào khác để thoát khỏi ám hại của ma tà, dịch bệnh nên phải lên cầu cứu Pó Then. Pó Then đồng ý và ra lệnh cho quân mở cổng trời thả xuống trần gian một sợi lụa dẫn đường cho quân lính đi voi ngựa xuống giúp trần gian diệt trừ ma tà, chữa trị bệnh cứu người.

Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 5Thầy mo đã mời được thần linh về chứng giám cho buổi lễ. Ảnh: Hoàng Tâm

Con người ở Mường Lúm được Pó Then cứu sống, tổ tông người Thái đen đã cử những người có khả năng hành nghề lần theo sợi lụa lên Mường trời tạ ơn và học bí quyết. Khi đoàn người Mường Lúm (mo Mùn) đến Mường trời, Pó Then đã đồng ý và truyền những bí quyết, phương thuốc chữa trị.

Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 6
Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 7Thầy mo làm phép ban lộc, phát thuốc cho mọi người. Ảnh: Hoàng Tâm

Theo lời hứa, mỗi mo Mùn khi đã hành nghề từ 3 đến 5 năm trở lên, đủ 120 pan khai (mâm cúng) tương ứng với 120 lượt cúng và chữa trị bệnh thì phải tạ ơn Pó Then, đồng thời cũng giải hạn cho việc hành nghề của mình.

Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 8
Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 9
Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 10Sau khi thầy mo đã mời được thần linh chứng giám, mọi người nhảy múa xung quanh cây bông với những trò diễn mô phỏng công việc hàng ngày. Ảnh Hoàng Tâm

Hằng năm, vào tháng 9, tháng 10 (âm lịch), mo chủ loan báo đến các Lúc May (người bệnh) được mo Mùn cứu chữa chuẩn bị đồ lễ để góp vào lễ hội tại gia đình mo chủ. Lúc này, Mo chủ mời từ 4 đến 6 người là các mo Mùn cùng hành nghề đến tổ chức lễ hội.

Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 11
Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 12
Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 13
Tái hiện lễ hội Chá Mùn của người Thái đen  ảnh 14Thầy mo dặn dò con cháu và bà con bắt đầu mở hội với những điệu múa khăn, trò diễn độc đáo. Ảnh: Hoàng Tâm

Trung tâm của lễ hội là cây bông (gọi là Bọoc mạy). Trên cây bông trưng bày đủ loài hoa, chim muông, cá, ếch, voi, ngựa, thuyền bè và được đặt ở gian chính ngôi nhà sàn Mo chủ. Gần cây bông đặt 2 vò rượu cần, một vò cắm 4 cần dành cho Mo chủ mời ông Then, một chĩnh 8 cần mời khách đến dự lễ hội.

Lễ hội Chá Mùn gồm nghi lễ mời ông Then trên trời và linh hồn các thầy Mo đã quá cố về dự lễ hội; gọi vía người bệnh và mọi người về tham gia lễ hội; đón người cai quản địa phương và khách tham dự lễ hội; tổ chức các trò chơi, trò diễn độc đáo của người Thái như ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo… bên cạnh đó là những làn điệu dân ca của người Thái được đồng bào hát múa xung quanh cây bông tạo nên không khí vui tươi, rộn rã và cuối cùng là tiễn Pó Then, các linh hồn mo Mùn trở về Mường trời, chia tay lễ hội và hẹn mùa lễ hội sau.

Lễ hội Chá Mùn còn là dịp để đồng bào các dân tộc cùng hội tụ giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, khơi dậy niềm tự hào truyền thống văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hoàng Tâm

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm