Sơn La: Phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến

Sơn La: Phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến

Ngày 10/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Sơn La: Phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến ảnh 1Đại biểu tham quan các gian hàng nông sản đặc trưng của các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết.

Ngành tập trung chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi ngành hàng…

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, năm 2024, tỉnh phấn đấu tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 9.274 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Đồng thời, tập trung phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chất lượng an toàn thực phẩm; phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản; phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 48%. Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,0%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt 42%; có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 xã so với năm 2023, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 2 xã so với năm 2023. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu xây dựng và công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh lên thành 8 vùng trong năm 2024.

Ngoài ra, triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ, mang lại hiệu quả cao vào sản xuất…

Để đạt được những mục tiêu đề ra, ông Hà Như Huệ cho biết, tỉnh Sơn La sẽ cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, huyện, thành phố. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi sổ, cơ giới hoá, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Tỉnh xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Đồng thời, đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường. Ngành cũng đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt. Đổi mới và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân theo hướng tổ chức liên kết giữa nông dân, tổ chức hợp tác của nông dân với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Cùng với đó, tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đầu tư các xã, huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm bền vững. Khuyến khích xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Xây dựng nông thôn mới thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, góp phần thu hẹp khoảng cách thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản với thành thị.

Năm 2023, ngành nông nghiệp Sơn La vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện. Tăng trưởng GRDP toàn ngành nông nghiệp 5,48%, đạt mức tăng trưởng tương đối cao trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 0,75% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực.

Toàn tỉnh đang hỗ trợ duy trì, phát triển 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, tăng 39 chuỗi so với năm 2022. Tỉnh đã thực hiện cấp 294 mã số vùng trồng, diện tích 3.151 ha cây ăn quả; 28 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh, tăng 3 sản phẩm so với năm 2022; sản lượng nông sản tham gia xuất khẩu đạt 173.033 tấn, tăng 8,6% so với năm 2022, giá trị đạt 177,8 triệu USD, tăng 8,99% so với năm 2022,

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu. Đến nay, toàn tỉnh có 150 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tăng 40 sản phẩm so với năm 2022; có 850 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Tỉnh cũng đã xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả 10 đề án và các chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành, lĩnh vực nông nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Sơn La năm 2024 và các năm tới.

Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 37 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La năm 2023 .

Quang Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm