Xây dựng thương hiệu nhãn Sông Mã

Xây dựng thương hiệu nhãn Sông Mã

Những ngày này tại huyện Sông Mã (Sơn La), nhiều hộ dân đang thu hoạch nhãn chín sớm. Năm nay, nhãn được mùa và thương lái thu mua với giá cao nên ai cũng phấn khởi. Đây là thành quả của người trồng nhãn khi ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất, để nhãn ra hoa, đậu quả trước thời vụ.

Xây dựng thương hiệu nhãn Sông Mã ảnh 1Diện tích trồng nhãn và một số loại cây ăn quả tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN

Huyện Sông Mã hiện có khoảng 300 ha T6 (nhãn chín sớm), tập trung ở các xã Chiềng Khoong, Chiềng Khương và Nà Nghịu. Nhãn Sông Mã quả to, vỏ mỏng, cùi dày và hương vị thơm ngọt. So với một số loại cây trồng khác, sản phẩm nhãn Sông Mã có nhiều thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, quá trình sản xuất, chế biến cần đáp ứng các yêu cầu mang tính quốc tế. Do vậy, các hợp tác xã, hộ dân chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, như: VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP, ISO 22000.

Xây dựng thương hiệu nhãn Sông Mã ảnh 2 Thu hoạch nhãn tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngoan Hậu, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN

Là một trong những hợp tác xã đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, các thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương đã chuyển đổi 16/46 ha nhãn địa phương sang ghép giống nhãn chín sớm T6 và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng nhãn chín sớm của hợp tác xã năm nay ước đạt khoảng 200 tấn. Hiện tại, sản phẩm nhãn chín sớm của hợp tác xã không đủ cung cấp cho các thương lái đến thu mua.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc cho hay, năm nay, thời tiết rất hạn hán, nhưng hợp tác xã đã chủ động được ngưồn nước để tưới tiêu. Vì vậy, quả nhãn đảm bảo được chất lượng, mẫu quả rất to, đẹp. Các thành viên chủ động thu hoạch và bán cho các thương lái và các chợ đầu mối như Long Biên, với giá dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Đây cũng là động lực cho các thành viên hợp tác xã phấn đấu, phát triển mảng nông nghiệp nói chung của toàn huyện.

Xây dựng thương hiệu nhãn Sông Mã ảnh 3Ông Bùi Sơn Hậu, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngoan Hậu, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã lắp đặt hệ thống tưới ẩm cho cây nhãn. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN

Vụ nhãn 2023, quả nhãn tươi tại huyện được các thương lái thu mua giao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến gần 40.000 đồng/kg nên người trồng nhãn rất phấn khởi, giá trị nhãn chín sớm cao gấp 4-5 lần so với nhãn chính vụ. Những quả mẫu mã kém hơn được các lò sấy thu mua về làm long nhãn với giá dao động từ 11.000 - 14.000 đồng/kg.

Anh Phạm Văn Hình, thương lái ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho hay, hàng năm cứ đến mùa nhãn anh cùng một số bạn bè lại vào huyện Sông Mã để thua mua và bán lại tại các chợ đầu mối như Long Biên (Hà Nội), chợ Cầu Bính (Hải Phòng)... Theo anh Hình, nhãn trồng tại Sông Mã thì cành dẻo, mẫu mã quả vàng, cùi dày, thơm, ngọt và được thị trường rất ưa chuộng.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây lượng thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả, đến nay, huyện Sông Mã có trên 7.500 ha cây nhãn, chủ yếu là giống nhãn T6 và nhãn thiết miền, sản lượng năm 2023 ước đạt trên 70.000 tấn. Đối với nhãn chín sớm tuy đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao hơn, nhưng mang lại lợi nhuận gấp vài lần so với nhãn chính vụ. Từ việc trồng nhãn, nhiều gia đình có thu lãi vài trăm triệu đồng, có hộ thu lãi hàng tỷ đồng/năm.

Huyện đã được cấp 46 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, với diện tích gần 500 ha. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Sông Mã đã có gần 3.000 lò sấy long nhãn, công suất chế biến từ 1.500 - 2.000 tấn quả tươi/ngày. Năm 2023, dự kiến sẽ đưa vào chế biến khoảng 25.000 tấn quả tươi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Nguyễn Tiến Hải thông tin, để giúp cho người dân và các hợp tác xã sản xuất nhãn tiêu thụ hết sản phẩm năm 2023. Ngay từ đầu năm, huyện đã ban hành kế hoạch về sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tuyên truyền vận động các hợp tác xã, người trồng nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ đảm bảo an toàn cho người sử dụng và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Hải, ngoài việc tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và những thị trường xuất khẩu quen thuộc, huyện Sông Mã cũng đẩy mạnh liên kết, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các đối tác, doanh nghiệp nhằm mở rộng sang các thì trường mới. Huyện phấn đấu tiêu thụ hết sản lượng, đảm bảo được mùa, được giá và mang lại thu nhập cao cho các hợp tác xã và hộ trồng nhãn.

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới quy trình, kỹ thuật sản xuất để tạo ra những sản phẩm nhãn có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, an toàn. Do đó, sản phẩm nhãn Sông Mã đã, đang mang lại thành công cho người nông dân, gây dựng được thương hiệu và được đón nhận tại thị trường trong nước và quốc tế.

Quang Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm